Trí thông minh nội tâm

1. Khái niệm trí thông minh nội tâm

Năng lực tự nhận thức bản thân hay trí thông minh nội tâm. Một người có sở trường về loại trí tuệ này có thể dễ dàng tiếp cận và nhìn rõ được những cảm xúc của chính bản thân mình, phân biệt được giữa nhiều loại trạng thái tình cảm bên trong và sử dụng chính những hiểu biết về bản thân mình để làm phong phú thêm và vạch ra hướng đi cho cuộc đời. Họ có thể là người rất hay tự xem xét nội tâm và ham thích được trầm tư suy nghĩ, được ở trong trạng thái tĩnh lặng hay các trạng thái tìm hiểu tinh thần một cách sâu sắc khác. Mặt khác họ có thể là người có tính độc lập mạnh mẽ, tính thẳng thắn cao độ và cực kỳ tự giác, có kỷ luật. Trong bất cứ trường hợp nào, họ thuộc dạng tự lập và thích làm việc một mình hơn là làm việc với người khác.

2. Đặc điểm trí thông minh nội tâm

Đối với một số người, nó là trung tâm điều phối những hoạt động phức tạp mà chúng ta tiến hành trong cuộc sống — đặt kế hoạch, hy vọng, khao khát, tự nguyện, hành động và thực hiện vô số trách nhiệm mà con người phải gánh vác. Với người khác, nó lại là hệ thống ý nghĩ chứa đựng tất cả kinh nghiệm mà con người nhớ lại khi cần thiết để đối phó với những căng thẳng, mệt mỏi và những tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Việc phát triển khả năng làm chủ bản thân rất quan trọng để giúp con người xây dựng một ý thức cá nhân nhất quán.

3. Nghề nghiệp phù hợp với trí thông minh nội tâm

Linh mục, nhà tiên tri, pháp sư, phù thủy, nhà thần học, nhà lãnh đạo tinh thần và những người có tầm nhìn xa của một cộng đồng.

4. Cách phát triển trí thông minh nội tâm

  • Học cách thiền định.
  • Nghe đài và băng cát xét liên quan đến nội dung này.
  • Viết tự truyện.
  • Tạo cho mình trình tự hoặc nghi thức hồi tưởng cá nhân.
  • Bắt đầu công việc kinh doanh của chính bạn.
  • Phát triển mối quan tâm hoặc sở thích khác với những người xung quanh.
  • Đăng ký lớp học về tính quyết đoán hoặc giữ vững sự tự tin,
  • Đặt ra những mục tiêu trước mắt và lâu dài cho bản thân, sau đó theo đuổi chúng.
  • Viết nhật ký ghi lại những ý nghĩ, cảm xúc, mục tiêu và ký ức của bạn.
  • Nghiên cứu tiểu sử và tự truyện của các nhân vật nổi tiếng có tính cách mạnh mẽ.
  • Tham dự các hoạt động tôn giáo một cách thường xuyên.
  • Mỗi tối dành ra mười phút để xem xét những ý nghĩ và cảm xúc tinh thần khác nhau mà bạn trải qua trong ngày.
  • Dành thời gian nói chuyện với những người có ý niệm bản thân bền vững và lành mạnh.

 Bài viết thuộc chủ đề Các loại hình thông minh