Cơ khí là ngành công nghiệp trực tiếp tạo ra tất cả các sản phẩm phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Sản phẩm của cơ khí chế tạo rất rộng, từ các vật dụng hàng ngày, các thiết bị linh kiện điện, điện tử cho đến các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, lưu thông hàng hóa, vật tư.
Ngành có vai trò tham gia trong hoạt động sản xuất thực tế, nơi các kỹ sư cơ khí tham gia việc vận hành toàn bộ quy trình chế tạo ra các sản phẩm (cơ khí), đồng thời tối ưu hóa quá trình sản xuất đảm bảo tính hiệu quả, tính kinh tế nhất có thể.
Ngành cơ khí chế tạo thường làm việc theo tổ, nhóm, cakíp,… Do đó, khi làm việc cùng nhau họ phải thực sự hiểu nhau để cho ra kết quả tốt nhất. Khi thực hiện chế tạo ra một loại thiết bị nào đó, họ cần phải họp bàn, trình bày thuyết phục về vấn đề mình làm. Nếu bạn không giao tiếp và thuyết trình tốt thì mọi người sẽ không thể hiểu bạn đang làm gì, và loại thiết bị, máy móc này có gì đặc biệt hay không,…
Một số ngành khác như marketing, kinh doanh… bạn có thể từ từ học hỏi và tích lũy kinh nghiệm vì các công ty thường có nhận có đào tạo. Còn ngành cơ khí là ngành công nghiệp đòi hỏi bạn phải thực sự có kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật gia công, chế tạo cơ khí: cơ học, cơ học vật rắn, chi tiết máy, nguyên lý máy… thì bạn mới có thể làm được việc.
Ngoài ra, bạn còn cần phải được đào tạo về các kỹ năng: kỹ năng quản lý, điều hành các quá trình gia công, điều hành hệ thống sản xuất cơ khí và hệ thống sản xuất công nghiệp có liên quan; kỹ năng về vận hành thiết bị, bảo quản, bảo dưỡng máy móc, thiết bị…; kỹ năng thu thập xử lý thông tin, phân tích cách yêu cầu, giới hạn mục tiêu thiết kế qua các điều kiện ràng buộc; kỹ năng tìm lời giải qua các bước phân tích và các công cụ hỗ trợ; kỹ năng về kỹ thuật và công nghệ chế tạo cơ khí; thiết kế máy công cụ và dụng cụ gia công, tự động hóa gia công, điều khiển số máy công cụ,…
Tư duy sáng tạo, tư duy logic là cực kì cần thiết đối với dân kỹ thuật ngành cơ khí. Bởi đây là một ngành tương đối khó nên cần người có tư duy tốt về kỹ thuật. Nếu không có tư duy logic, họ sẽ không thể hiểu nguyên lí và không biết được máy móc, thiết bị tại sao không hoạt động…
Để giúp phát triển tư duy và kỹ năng tính toán bạn cần bổ sung một số kiến thức về toán, tin học...
Hầu hết, ngành cơ khí phải làm việc trong môi trường công xưởng, phải thường xuyên làm theo ca: ban ngày và tối; hoặc họ sẽ thường xuyên dành thời gian nghiên cứu vào ban đêm. Do đó, ngành này yêu cầu phải có sức khỏe cực kì tốt để làm việc. Và đối tượng theo ngành chủ yếu thích hợp với nam giới.
Môi trường làm việc của ngành cơ khí khá đặc thù. Bạn phải thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị linh kiện, máy móc, vật tư… nếu bạn làm ở vị trí sản xuất, bảo dưỡng thiết bị. Nếu bạn làm trong môi trường sản xuất, thì thường phải tiếp xúc với các máy móc, sắt thép, dầu nhớt,… và kể cả tiếng ồn. Nếu chuyên về thiết kế, bạn sẽ làm việc trong môi trường sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi: phòng kỹ thuật, phòng dự án...