3.3 Mô tả nghề kiến trúc sư

1.Tầm quan trọng của nghề kiến trúc sư trong đơn vị tổ chức

Kiến trúc sư là những chuyên gia được đào tạo và cấp bằng về nghệ thuật và khoa học thiết kế các công trình xây dựng. Họ biến những nhu cầu của con người về nơi ở, sinh hoạt, vui chơi, làm việc v.v… thành hình ảnh và đồ án của các công trình mà sau đó sẽ xây dựng bởi người khác.

Không có một công trình nào thiếu vắng bàn tay của kiến trúc sư. Do vậy kiến trúc sư là vị trí không thể thiếu trong ngành xây dựng, là vị trí quan trọng đảm nhiệm những trách nhiệm về chất lượng đầu tiên để triển khai các bước tiếp theo của các công trình xây dựng.

2. Những đầu việc nhiệm vụ chung của nghề kiến trúc sư

Nhiệm vụ chủ yếu của kiến trúc sư là ở phần việc đầu tiên: làm dự án, thiết kế kiến trúc, quy hoạch và thường là người chủ trì công trình. Họ hợp tác với các kỹ sư, chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu về xây dựng, để đưa ra thiết kế hợp lý nhất cho công trình.

Kiến trúc là một ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực: Nghệ thuật và Kỹ thuật. Một KTS thành công là người biết dung hòa hai mảng có vẻ mâu thuẫn đó trong công việc. Vừa sáng tạo, lãng mạn lại vừa phải nắm vững và cập nhật công nghệ, gò mình vào các tính toán khô cứng. Nhưng chính hai mặt tưởng như mâu thuẫn ấy lại tương hỗ nhau, giúp người KTS sáng tạo ra những sản phẩm kiến trúc đạt đến sự cân bằng hoàn hảo.

3. Công việc hằng ngày của kiến trúc sư

  • Thiết kế quy hoạch tổng thể, chi tiết, khái toán tổng mức đầu tư cho các Dự án đầu tư xây dựng.
  • Thiết kế, phác thảo phương án kiến trúc cho các dự án đầu tư của Công ty.
  • Tư vấn cho Ban Giám đốc về các vấn đề liên quan đến Quy hoạch, kiến trúc Dự án.
  • Quản lý, kiểm soát hồ sơ thiết kế quy hoạch, kiến trúc. Làm việc trực tiếp với các đối tác như các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công về các vấn đề liên quan đến công trình nhằm đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và tiến độ.
  • Cập nhật các quy định, quy chuẩn, văn bản trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc.
  • Lập hồ sơ, phát triển các dự án xây dựng của Công ty.
  • Phối hợp làm việc cùng nhóm dự án.
  • Làm việc với các cơ quan ban, ngành liên quan đến các công tác chuẩn bị đầu tư của dự án
  • Chịu trách nhiệm trực tiếp trước lãnh đạo công ty về các tiêu chí kỹ thuật, mỹ thuật của hồ sơ bản vẽ được giao thực hiện.
  • Hỗ trợ các cá nhân, bộ phận trong các công việc có liên quan đến Kiến trúc/Nội thất/Bất động sản.
  • Phối hợp với các bộ môn kỹ thuật khác như M&E, kết cấu, nội thất,...
  • Lập kế họach quản lý chất lượng và tiến độ hồ sơ thiết kế kiến trúc cho công trình.
  • Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Lãnh đạo.

4. Định hướng nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến của nghề kiến trúc sư

Kiến trúc là một trong những ngành nghề cạnh tranh nhất, đây là điều dễ thấy ngay từ khi bạn bước vào trường học và sẽ không bao giờ dừng lại. Nhiều người có thể khám phá ra vô vàn những sáng tạo của bản thân trong một môi trường cạnh tranh. Chắc rằng sẽ có nhiều người ngạc nhiên với những khả năng của họ, giống như một nhà thiết kế.

Kiến trúc sư cần có tư chất của một nghệ sĩ, một nhà khoa học  kỹ thuật, một người làm công tác văn hóa xã hội. Người ta nói nghề kiến trúc là nghề kết hợp khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật là như vậy. Năng lực tư duy thẫm mỹ phong phú đa dạng, họ phải đi thực tế, giám sát thi công. Công việc này vất vả nhưng lại rất thú vị.

Làm việc trong nghề này nghĩa là bạn chấp nhận áp lực công việc lớn, có thể nhiều đêm phải thức trắng để hoàn thành thiết kế kịp thời gian. Cũng như nghề thiết kế, nhiều kiến trúc sư làm việc độc lập hoặc cùng một số đồng nghiệp lập ra xưởng, công ty kiến trúc của riêng họ. Đặc điểm về giới cũng đáng lưu ý, vì đặc thù công việc của người Kiến trúc sư đòi hỏi về khả năng làm việc cường độ cao, áp lực công việc nặng khiến tỉ lệ nữ làm việc trong ngành này không cao

Kiến trúc sư có tay nghề và kinh nghiệm có cơ hội phát triển lớn ở trong nước và quốc tế, vị trí của kiến trúc sư có thể phát triển lên là kiến trúc sư chủ trì.

 Bài viết thuộc chủ đề 3. xây dựng