30. Đặc điểm nhân sự ngành Công nghệ thông tin

  1. Khái niệm ngành Công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Người làm việc trong ngành này thường được gọi là IT (Information Technology).

Mục đích của ngành này là nhằm phát triển khả năng sửa chữa, tạo mới và sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cá nhân, tổ chức có yêu cầu.

  1. Đặc điểm nhân sự ngành Công nghệ thông tin
    1. Đặc điểm nhân sự ngành Công nghệ thông tin
  • Có tư duy logic, có óc sáng tạo

Ngành Công nghệ thông tin đòi hỏi tư duy phân tích cao, khả năng tối ưu hóa các giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả ứng dụng thực tiễn tốt nhất. Nếu có tư duy, óc sáng tạo, bạn sẽ dễ dàng thành công hơn trong lĩnh vực này.

  • Đam mê công nghệ và ham học hỏi

Người có đam mê công nghệ sẽ dễ dàng làm quen và hòa nhập tốt vào thế giới công nghệ. Với niềm yêu thích sẵn có, bạn sẽ có động lực để vượt qua áp lực căng thẳng của công việc. Bạn sẽ không cảm thấy chán nản khi phải ngồi hàng giờ bên máy vi tính để viết một phần mềm, và càng không ngại ngần khi đầu tư hàng tháng trời để hoàn thành công trình nghiên cứu công nghệ.

Bên cạnh đó, người làm trong lĩnh vực này cũng cần phải tìm tòi, ham học hỏi, cập nhật những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất để không bị lạc hậu.

  • Có tính chính xác, cẩn thận, tỉ mỉ

Tính chính xác, cẩn thận, tỉ mỉ là yêu cầu bắt buộc của mọi ngành khoa học, cả khoa học về công nghệ máy tính. Trong quá trình xây dựng một ứng dụng, một phần mềm, nếu xảy ra một sai sót nhỏ, toàn bộ chương trình sẽ không thể vận hành như mong muốn.

  • Am hiểu về công nghệ thông tin

Bạn cần nắm vững kiến thức về lĩnh vực công nghệ thông tin để nâng cao tay nghề nhằm phát triển khả năng sửa chữa, xây dựng, cài đặt, bảo trì các phần cứng của máy tính cũng như nghiên cứu và phát triển các ứng dụng phần mềm. Ngoài ra cũng được trang bị kiến thức về an toàn và bảo mật thông tin mạng, một trong những lĩnh vực quan trọng được quan tâm hàng đầu trên thế giới hiện nay.

  • Trình độ ngoại ngữ tốt

Đây là ngành nghề mang tính toàn cầu vì các sản phẩm công nghệ và internet có mặt trên khắp thế giới. Để trở thành một IT giỏi, bạn phải khá thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu các vấn đề, thông số chuyên môn để tiếp cận, cập nhật thông tin công nghệ. Ngoài ra, nếu biết ngoại ngữ, bạn sẽ có cơ hội làm việc với các công ty, đối tác nước ngoài.

  • Có các kỹ năng mềm thành thục

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, là một IT giỏi, bạn còn phải là người có kỹ năng làm việc theo nhóm; kỹ năng thuyết trình,… Ngoài ra, bạn phải kiên trì, nhẫn nại, có khả năng làm việc dưới áp lực cao. Nếu có đầy đủ các yếu tố, bạn sẽ có cơ hội phát triển bản thân nhiều hơn, có cơ hội thăng tiến cao hơn.

    1. Môi trường làm việc của ngành Công nghệ thông tin

Môi trường làm việc của ngành Công nghệ thông tin chủ yếu là trong văn phòng. Do ngành này yêu cầu sự tập trung cao độ vì cường độ làm việc cao, áp lực căng thẳng nên văn phòng làm việc đầy đủ tiện ích.

Bạn có thể làm việc tại các công ty, tập đoàn về công nghệ thông tin; công ty sản xuất, lắp ráp, sửa chữa trang thiết bị phần cứng; công ty cung cấp giải pháp tích hợp; công ty cung cấp giải pháp về mạng và an ninh mạng; bộ phận Quản trị, bộ phận IT tại các công ty, kể cả công ty hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ và các lĩnh vực khác như ngân hàng, y tế, giáo dục, giải trí...

  1. Các vị trí công việc, nghề nghiệp thường gặp trong ngành Công nghệ thông tin
  • Lập trình viên: lập trình web, lập trình hệ thống, lập trình database, lập trình game, lập trình mobile
  • Kĩ sư cầu nối, kiểm thử phần mềm, đảm bảo chất lượng phần mềm
  • Quản trị dự án
  • Giám đốc kỹ thuật
  • Thiết kế đồ họa
  • Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính
  • Chuyên viên quản trị bảo mật máy chủ và mạng
  • Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu
  • Chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin đảm bảo an toàn
  • Chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống
  • Chuyên gia rà soát lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin
  • Chuyên gia lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin
  • Chuyên gia phân tích mã độc và ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính
  • Chuyên gia quản lý, kinh doanh, điều phối các dự án công nghệ thông tin
  • Giảng dạy và nghiên cứu về công nghệ thông tin