39. Đặc điểm nhân sự ngành bảo hiểm

  1. Khái niệm ngành Bảo hiểm

Ngành Bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

  1. Đặc điểm nhân sự ngành Bảo hiểm
    1. Đặc điểm nhân sự ngành Bảo hiểm
  • Có khả năng suy luận tốt, tư duy logic

Ngành bảo hiểm du nhập từ nước ngoài nên luôn đề cao sự chuyên nghiệp, năng động và sáng tạo nên đòi hỏi mỗi cá nhân phải vận động về tư duy lẫn hành động. Và dù bất cứ ngành nghề nào, người có khả năng suy luận, tư duy logic tốt sẽ suy nghĩ, trình bày vấn đề một cách mạch lạc; biết cách hoàn thành tốt công việc của mình. Để rèn luyện tư duy, óc phân tích, bạn nên bổ trợ thêm kiến thức về toán học, lý thuyết xác suất thống kê và tài chính. Với kiến thức này, bạn có thể áp dụng để nghiên cứu, tính toán rủi ro trong nghề Định phí bảo hiểm…

  • Khả năng giao tiếp tốt, có thể thuyết phục và lắng nghe khách hàng

Nghề bảo hiểm là nghề thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng. Do đó, người có khả năng giao tiếp tốt sẽ cực kì có lợi. Họ sẽ phải tư vấn, trình bày về các vấn đề bảo hiểm: vai trò, lợi ích,… của bảo hiểm với khách hàng. Ngoài ra, trong cuộc nói chuyện, thay vì thao thao bất tuyệt về vô số các tính năng của gói bảo hiểm đang bán thì bạn nên trò chuyện với khách hàng về cuộc sống, về sở thích, gia đình, dự tính cho tương lai… Trong một cuộc đối thoại hai chiều như vậy, khách hàng có cái nhìn mạch lạc, rõ ràng hơn và nhiều khi sẽ tự nhận thấy nhu cầu phải đảm bảo cho tương lai gia đình ra sao, nhu cầu sẵn sàng được đáp ứng bởi giải pháp bằng bảo hiểm.

Hoặc với vị trí cao hơn, người làm trong ngành bảo hiểm phải đi công tác nước ngoài, được gặp gỡ đối tác/ khách nước ngoài, nên họ phải có kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, đàm phán.

  • Sự tỉ mỉ, kiên trì và ý chí muốn làm giàu

Nghề bảo hiểm là nghề có thu nhập khá cao phụ thuộc vào năng lực của bản thân mỗi người. Đối với vị trí tư vấn bảo hiểm, bạn phải thực sự kiên trì, tỉ mỉ. Bởi khi mới vào ngành bảo hiểm, bạn chưa có nhiều mối quan hệ nên bạn phải tìm kiếm khách hàng. Khi đã quen dần với công việc, bạn sẽ biết cách tiếp cận khách hàng hơn và chắc chắn thu nhập của bạn sẽ là không giới hạn.

  • Có kiến thức chuyên ngành về bảo hiểm

Làm trong lĩnh vực này, bạn phải có kiến thức toàn diện về bảo hiểm, bao gồm cả lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại. Bạn phải có các kiến thức chuyên môn thì mới hiểu rõ chính sách và các quy định của Nhà nước về bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế), quy trình tham gia bảo hiểm xã hội, nghiệp vụ thu bảo hiểm xã hội, giải quyết và tổ chức chi trả bảo hiểm xã hội...

Hoặc kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực bảo hiểm thương mại: pháp luật, quản lý nhà nước, tài chính và kế toán, thương mại trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm, thiết lập và quản lý hợp đồng bảo hiểm, định phí bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, quản lý quỹ đầu tư, lập các báo cáo tài chính, phân tích tài chính trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Nếu không có kiến thức về bảo hiểm, bạn sẽ không thể tư vấn, đàm phán, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

  • Trình độ ngoại ngữ tốt

Tại thị trường Việt Nam, hầu hết các công ty bảo hiểm đều từ nước ngoài du nhập vào. Do đó, trình độ tiếng Anh với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết thành thạo là cần thiết. Bởi bạn được làm việc trong môi trường nước ngoài năng động, chuyên nghiệp và cần thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài. Nếu không biết ngoại ngữ, bạn chỉ đảm nhận được vị trí thấp, còn những chức vụ cao hơn đòi hỏi phải biết ngoại ngữ.

Không những thế, một số công việc bảo hiểm phải có bằng/ chứng chỉ đào tạo ở các tổ chức nước ngoài. Do đó, đây sẽ là cơ hội bạn được học và phát triển nghề nghiệp của mình.

    1. Môi trường làm việc của ngành Bảo hiểm

Môi trường làm việc trong ngành bảo hiểm khá năng động. Các công ty bảo hiểm luôn trang bị cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại, sang trọng để cho mọi người thoải mái sáng tạo ý tưởng và làm việc một cách có hiệu quả nhất. Hoặc đôi khi, nhiều vị trí bạn vẫn phải ra ngoài để gặp khách hàng, đi công tác các tỉnh, hoặc đi công tác nước ngoài.

Bạn có thể đảm nhận các vị trí ở các công ty bảo hiểm, cơ quan nhà nước liên quan đến bảo hiểm,…

  1. Các vị trí công việc, nghề nghiệp thường gặp trong ngành bảo hiểm
  • Nghiên cứu bảo hiểm
  • Quản lý tài chính của hãng bảo hiểm
  • Nhân viên định phí
  • Đàm phán, ký kết hợp đồng bảo hiểm
  • Phân tích, đánh giá rủi ro
  • Giám định, bồi thường thiệt hại
  • Chuyên gia môi giới bảo hiểm
  • Tư vấn bảo hiểm
  • Trưởng phòng tư vấn
  • Quản lý khu vực
  • Giám đốc khu vực
  • Chuyên viên phát triển sản phẩm bảo hiểm
  • Chuyên viên quản trị rủi ro và bảo hiểm của các tập đoàn kinh tế
  • Chuyên viên thẩm định và giải quyết bảo hiểm
  • Tài chính bảo hiểm
  • Cán bộ quản lý nhà nước về bảo hiểm