Mô tả nghề Kỹ sư công nghệ sinh học

  1. Tầm quan trọng của Kỹ sư công nghệ sinh học

Kỹ sư công nghệ sinh học sẽ vận dụng khoa học và công nghệ gồm: sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh vật học, sinh hóa học, công nghệ học, nhằm tạo ra các quy trình công nghệ khai thác ở quy mô công nghiệp các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động, thực vật… để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Họ góp phần xây dựng công nghiệp sinh học trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, đóng góp ngày càng gia tăng cho nền kinh tế.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của Kỹ sư công nghệ sinh học

Nhiệm vụ chung của Kỹ sư công nghệ sinh học là nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả Công nghệ Sinh học vào một số lĩnh vực chủ yếu: Nông - lâm - ngư nghiệp, y - dược, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường.

  1. Công việc của Kỹ sư công nghệ sinh học

Tùy từng lĩnh vực mà Kỹ sư công nghệ sinh học có những công việc khác nhau. Bạn có thể tham khảo những công việc của họ trong một số lĩnh vực sau:

  • Y dược: chẩn đoán bệnh, chế biến thuốc, vắc-xin, thuốc thú y…
  • Môi trường: xử lý môi trường, đánh giá mức độ độc hại của sản phẩm, xử lý chất thải...
  • Nông - lâm - ngư nghiệp: sản xuất giống, chuẩn đoán bệnh, kiểm soát chất lượng
  • Công nghiệp: điều khiển các quá trình lên men trong ngành thực phẩm, vật liệu sinh học...
  1. Định hướng phát triển và cơ hội thăng tiến của Kỹ sư công nghệ sinh học

Môi trường làm việc của người kỹ sư công nghệ sinh học khá yên tĩnh, chủ yếu làm việc trong các phòng thí nghiệm.

Để theo nghề, bạn cần có niềm đam mê khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực Công nghệ sinh học; có tư duy logic, tính cẩn thận, tỉ mỉ, coi trọng sự chính xác; có trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tin học, kỹ năng mềm khác như: giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian hiệu quả,...

Công nghệ sinh học đã và đang ngày càng có ý nghĩa to lớn đối với đời sống con người. Do đó, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội làm việc tại nhiều loại hình công ty. Ngành này thường làm việc trên các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền và chỉ được trang bị tại các cơ sở nghiên cứu, các công ty lớn tập trung ở một số thành phố lớn như: TP. HCM, Hà Nội... Vì vậy, cơ hội việc làm của nghề này ở các tỉnh nhỏ là không cao, rất hạn chế và gần như không có cơ hội phát triển.

 Bài viết thuộc chủ đề 44. Sinh học hóa học