Mô tả nghề nhân viên thiết kế in ấn

1. Tầm quan trọng của Nhân viên thiết kế in ấn trong đơn vị tổ chức

Thiết kế in ấn đang ngày càng trở nên quan trọng trong công nghiệp quảng cáo và truyền thông. Và nhân viên thiết kế in ấn có vai trò biến các ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm độc đáo nhờ sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.

Những sản phẩm thiết kế in ấn đẹp sẽ “đánh thức” thị giác của khách hàng bằng hình ảnh, giúp truyền thông sản phẩm, dịch vụ đạt hiệu quả cao.

2. Các yếu tố tạo nên chân dung của nhân viên thiết kế in ấn giỏi

  • Có óc sáng tạo

Để thiết kế được những hình ảnh sao cho đẹp mắt và phù hợp để in sản phẩm một cách nhanh chóng, nhân viên thiết kế in ấn buộc phải có óc sáng tạo. Sản phẩm có độc đáo mới tạo được hiệu ứng cho người tiêu dùng trên thị trường.

  • Có tinh thần trách nhiệm cao

Công việc nào cũng cần có một tinh thần trách nhiệm cao và nghề thiết kế in ấn cũng không ngoại lệ. Trong quá trình làm việc, nếu bạn không có trách nhiệm thì bản thiết kế sẽ xảy ra nhiều sai sót không đáng có. Đó có thể là sản phẩm làm không đúng hẹn, content sai nội dung, sai chính tả, sản phẩm không đạt chuẩn,…

  • Có khả năng làm việc nhóm, chịu được áp lực

Làm việc trong môi trường sáng tạo, họ không chỉ có khả năng làm việc độc lập mà còn phải làm việc nhóm. Người thiết kế in ấn cần phải kết hợp với team nội dung, thể hiện được ý tưởng của nội dung; kết hợp với nhân viên kỹ thuật in ấn để cho ra màu chuẩn,… Thêm vào đó, họ còn phải chịu được áp lực công việc, điều này đòi hỏi ở người đó có tinh thần thép để sẵn sàng giải quyết công việc đúng deadline.

  • Có khả năng giao tiếp tốt

Khả năng giao tiếp tốt rất có lợi cho vị trí công việc này. Bởi họ phải trao đổi rất nhiều với đồng nghiệp, với cấp trên hoặc khách hàng có nhu cầu muốn in ấn.

3. Công việc hàng ngày của nghề nhân viên thiết kế in ấn

  • Tìm hiểu nhu cầu, tư vấn về mẫu thiết kế cho khách hàng
  • Thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu, các ấn phẩm quảng cáo,…
  • Thiết kế catalogue, brochure, poster, bao bì, lịch, sổ tay…
  • Làm việc với bộ phận in để cung cấp bản thiết kế phù hợp với yêu cầu của khách hàng
  • Giải đáp thắc mắc khi có khiếu nại của khách hàng

4. Định hướng phát triển, cơ hội thăng tiến của nghề nhân viên thiết kế in ấn

Trong ngành thiết kế in ấn, năng lực là yếu tố quyết định chứ không phải bằng cấp hay tuổi tác. Dù bạn mới ra trường, đang làm việc hay đang tìm kiếm cơ hội thăng tiến ở vị trí nào đi chăng nữa thì lời khuyên vẫn là “làm việc chăm chỉ, đặt câu hỏi và học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, dù vai trò công việc của họ là gì”.

Bạn cần rèn luyện, hoàn thiện các kỹ năng quản lý sắp xếp công việc hiệu quả; luôn đam mê thiết kế, giàu ý tưởng sáng tạo, thẩm mỹ tốt, có khả năng phát triển những ý tưởng tạo hình độc đáo,…

Nhân viên thiết kế in ấn có cơ hội được thăng chức lên các cấp bậc như: Trưởng nhóm thiết kế, Trưởng phòng thiết kế hay Giám đốc thiết kế in ấn của công ty.