Mô tả nghề Kỹ sư địa chất

  1. Tầm quan trọng của Kỹ sư địa chất

Kỹ sư địa chất có vai trò quan trọng trong việc xác định các yếu tố địa chất ảnh hưởng đến thiết kế, thi công, vận hành các công trình kỹ thuật và duy trì các công trình này hoạt động tốt.

Theo như quy định của Nhà nước thì sẽ có những công trình nhất định bắt buộc phải có bảng kết quả khảo sát địa chất thì mới có thể được cấp giấy phép để xây dựng công trình. Do đó, nếu người Kỹ sư địa chất tính toán kém, đưa ra những quyết định sai sẽ khiến cho công trình đó dễ bị phá hủy. Và như thế, công ty hoặc tổ chức sẽ chịu nhiều tổn thất nặng nề về tiền của. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng đến tính mạng con người trong quá trình làm việc ở công trình đó.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của Kỹ sư địa chất

Nhiệm vụ của các Kỹ sư địa chất:

  • Trực tiếp tham gia và điều hành công việc ở các chuyến đi lộ trình để thu thập thông tin, vẽ các loại bản đồ địa chất
  • Điều khiển những giàn khoan lớn, những máy đo từ, địa chấn, điện trở suất của đất đá… gắn trên máy bay hoặc tàu biển hiện đại.
  • Phát hiện ra những tài nguyên khoáng sản nằm sâu dưới lòng đất hoặc ngoài đại dương, lựa chọn vị trí xây dựng công trình.
  • Phát hiện và dự báo các hiểm họa tiềm ẩn trong lòng đất như động đất, sóng thần…
  1. Công việc hàng ngày của Kỹ sư địa chất

Tùy từng công việc mà họ đảm nhận mà có những công việc khác nhau; dưới đây là mô tả công việc của một Kỹ sư địa chất và nền móng:

  • Chịu trách nhiệm phân tích, thiết kế, tính toán, chuẩn bị bản vẽ
  • Khảo sát địa chất
  • Phân tích địa chất
  • Tính toán khả năng chịu lực của đất nền, gia cố và cải tạo đất
  • Thiết kế nền móng cho kết cấu và thiết bị
  • Xử lí nền đất yếu
  1. Định hướng phát triển và cơ hội thăng tiến của Kỹ sư địa chất

Lượng người theo chuyên ngành địa chất tại Việt Nam hiện rất thấp do vậy cơ hội việc làm trong ngành là rất lớn. Công việc này tương đối cực khổ, bạn phải thường xuyên làm việc ngoài trời mưa nắng, đi đây đó, thời gian ở nhà ít hơn thời gian dành cho công việc. Vì vậy, bạn phải thực sự yêu thích nghề, mong muốn tìm tòi khám phá, chịu được áp lực cao mới có thể theo đuổi nghề. Công việc này phù hợp với nam giới hơn.

Kỹ sư địa chất làm việc ở các Bộ, ngành khác nhau như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở tương ứng thuộc các tỉnh thành, các tổng công ty, công ty liên đoàn và đoàn địa chất – dầu khí.

 Bài viết thuộc chủ đề 60. Địa chất