TUẦN SINH HOẠT CÔNG DÂN - TÂN SINH VIÊN KHÓA 71, ĐỢT 1 TẠI CSĐT VĨNH PHÚC VÀ PHÂN HIỆU HÀ NỘI

TUẦN SINH HOẠT CÔNG DÂN - TÂN SINH VIÊN KHÓA 71, ĐỢT 1 TẠI CSĐT VĨNH PHÚC VÀ PHÂN HIỆU HÀ NỘI

Căn cứ Công văn số 3321/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 28/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân - HSSV” trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm, năm học 2020-2021. Thực hiện Kế hoạch số 3326/KH-ĐHCNGTVT ngày 21/9/2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT về việc thực hiện “Tuần sinh hoạt công dân - Sinh viên” năm học 2020-2021. Trung tâm hỗ trợ Sinh viên khởi nghiệp và Quan hệ doanh nghiệp thuộc Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Trung tâm Khởi nghiệp), triển khai 02 chương trình: Tập huấn “Kỹ năng mềm”; Tọa đàm “Khởi nghiệp và Hướng nghiệp” cho Tân sinh viên năm thứ nhất khóa 71 - Đợt 01 diễn ra từ ngày 29/9/2020 ÷ 02/10/2020, cho khoảng 500 sinh viên tại Phân hiệu Hà Nội và 200 sinh viên tại Cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc.

Mục đích của 02 chương trình Tập huấn và Tọa đàm do Trung tâm Khởi nghiệp đảm nhận nhằm giúp các Tân sinh viên - Khóa 71:

  1. Định hướng trong việc học tập, rèn luyện kỹ năng mềm; hỗ trợ sinh viên trang bị, bổ sung và hoàn thiện các kỹ năng phục vụ quá trình học tập, phát triển sự nghiệp của bản thân và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo;
  2. Chủ động và tự tin hoàn thiện năm học tiền đề tốt hơn, làm cơ sở và tạo động lực học tập tốt hơn nữa cho những năm học tiếp theo; đồng thời tạo niềm tin cho sinh viên ngay từ ngày đầu vào học đến khi tốt nghiệp ngoài kiến thức chuyên môn nghiệp vụ được sự rèn luyện trong Nhà trường, còn được trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp tạo kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả hướng tới một tương lai tươi sáng;
  3. Tạo môi trường, phát huy tính sáng tạo, tư duy và các điều kiện để sinh viên được học hỏi, tập huấn kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn mang lại thái độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp thông qua giao lưu trực tiếp với các chuyên gia, diễn giả, cựu sinh viên là doanh nhân thành đạt;
  4. Trau dồi cho sinh viên các kỹ năng căn bản ngay khi vào học tại trường như: Văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý quỹ thời gian, ...;
  5. Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên theo các chuyên ngành đào tạo.

Trung tâm Khởi nghiệp đã kết nối các Doanh nghiệp có mối quan hệ hợp tác truyền thống để cùng tham gia với vai trò Chuyên gia/Diễn giả/Cựu sinh viên (đều là những Cộng tác viên tích cực của Trung tâm Khởi nghiệp), trực tiếp phối hợp với Thày/cô Trung tâm chia sẻ tại các buổi Tập huấn và Tọa đàm như: Chuyên gia, ThS.Lê Ánh - Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu Lê Ánh, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và kết nối các doanh nghiệp trong các hoạt động tiếp nhận sinh viên đến tham quan, thực tập, tiến tập và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp tại các doanh nghiệp XNK; Diễn giả, Cựu sinh viên Hoàng Ngọc Báu - Sáng lập và Điều hành Công ty Cổ phần giải pháp Hoàng Hải là đơn vị cung ứng các giải pháp về Nguồn nhân lực kết nối sinh viên với doanh nghiệp; Diễn giả, ThS.Nguyễn Thị Thu Hiền - Chuyên gia Kỹ năng mềm, kiêm Thành viên triển khai các hoạt động Đề án 1665 (Chương trình của Bộ Giáo dục đào tạo “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”); ngoài ra còn có một số Sinh viên khóa 69, 70 đang tham dự Vòng 2 - Chung kết cấp Trường cuộc thi “Sinh viên UTT với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020”, cùng tham dự chia sẻ với vai trò Kinh nghiệm của người đi trước. Bên cạnh đó, với nhiệm vụ chính trị Nhà trường giao, TS. Đinh Quang Toàn - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm và TS. Đỗ Văn Thái - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khởi nghiệp tại CSĐT Vĩnh Phúc cùng các Thành viên chủ chốt Trung tâm Khởi nghiệp tại các CSĐT đã trực tiếp lên lớp chia sẻ những nội dung, chủ trương chỉ đạo của Ban Giám hiệu Nhà trường trong hoạt động Hỗ trợ sinh viên và Khởi nghiệp, hướng nghiệp phục vụ sinh viên toàn Trường tại 03 CSĐT - đây là một trong những hoạt động thiết thực và thường xuyên của Trung tâm Khởi nghiệp khi có sự phối hợp của các đơn vị chủ quản: Đoàn thành niên Cộng sản HCM; Bộ phận công tác sinh viên Phòng Đào tạo; Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, … nhằm tạo môi trường học tập, nghiên cứu đi kèm các phong trào hoạt động giúp sinh viên phát triển toàn diện năng lực và kỹ năng.

TS.Đinh Quang Toàn - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Khởi nghiệlên lớp buổi đầu Đợt 1 Tập huấn, Tọa đàm - tại CSĐT Vĩnh Phúc và Phân hiệu Hà Nội.

Tại buổi Tập huấn, TS. Đinh Quang Toàn giới thiệu chung về Nhà trường; các hoạt động của Trung tâm và chia sẻ những thay đổi trong cách học tập và sinh hoạt khi chuyển từ THPT (Học sinh) sang môi trường đại học (Tân sinh viên) cụ thể là những Kỹ năng tự học, chủ động trong học tập (kỹ năng nghe; kỹ năng ghi chép; kỹ năng đọc; kỹ năng ôn tập bài và cách làm bài thi hiệu quả; kỹ năng kiểm tra, đánh giá; …) nhằm giúp Tân sinh viên có phương pháp, kế hoạch học tập hiệu quả ngay từ những buổi sinh hoạt công dân học tập đầu tiên, qua đó giúp Tân sinh viên đạt được những thành quả cao trong học tập, nghiên cứu và tham gia các hoạt động khởi nghiệp, hướng nghiệp nhằm phát triển tư duy, tạo động lực trong nghiên cứu khoa học và không ngừng nâng cao năng lực bản thân, tiếp cận và làm quen dần môi trường doanh nghiệp tạo tính chủ động và chuyên nghiệp trong kế hoạch học tập và làm việc thông qua việc khai thác Cổng thông tin việc làm của Nhà trường “https://vieclamutt.com/”.

Diễn giả, ThS.Nguyễn Thị Thu Hiền- Chuyên gia Kỹ năng mềm, kiêm Thành viên triển khai Đề án 1665 chia sẻ các chuyên đề - tại CSĐT Vĩnh Phúc và Phân hiệu Hà Nội.

Diễn giả ThS.Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ với sinh viên các Kỹ năng kết thân với những người bạn trong và ngoài trường khi bước vào cánh cửa trường đại học để các em nhanh chóng mở lòng và làm quen được với những người bạn mới, chọn lọc được những người bạn tốt cùng tham gia giúp đỡ nhau trong học tập và các phong trào hoạt động tạo động lực tích cực cho sinh viên, qua đó có những cách nhận biết cơ bản về cách chọn bạn để tránh những cám giỗ của xã hội.

Diễn giả, Cựu sinh viên Hoàng Ngọc Báu - Sáng lập và điều hành Công ty CP giải pháp Hoàng Hải chia sẻ những kinh nghiệm - tại CSĐT Vĩnh Phúc và Phân hiệu Hà Nội.

Diễn giả Hoàng Ngọc Báu giới thiệu đến các em sinh viên về Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, dẫn dắt để các em phát triển khả năng tự nghiên cứu khoa học nhằm tạo động lực ham muốn làm ý tưởng khởi nghiệp, nung nấu những ước mơ hoài bão để phát triển bản thân ngay khi còn ngồi trên ghế Nhà trường. Đặc biệt hơn diễn giả chính là Cựu sinh viên của Nhà trường, anh đã chia sẻ kinh nghiệm sau 15 năm ra trường, những khó khăn thất bại và hơn hết là những bài học rút ra từ thực tế. Từ đó giúp các em định hướng lựa chọn hướng đi, đặt ra mục tiêu theo từng giai đoạn sau khi ra trường và những kiến thức kỹ năng mà sinh viên cần chuẩn bị trước khi ra trường.

Chuyên gia, ThS. Lê Ánh - Giám đốc Trung tâm XNK Lê Ánh - chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên theo từng chuyên ngành - tại CSĐT Vĩnh Phúc và Phân hiệu Hà Nội.

Chuyên gia ThS. Lê Ánh chia sẻ cho sinh viên 6 bước để định hướng nghề nghiệp với từng nội dung cụ thể: Khám phá thế mạnh của bản thân; Tìm hiểu về ngành học; Xây dựng lộ trình nghề nghiệp hiệu quả; Xây dựng kế hoạch phát triển năng lực bản thân; Học tập và phát triển; Theo dõi, đánh giá, giải pháp thực hiện. Chuyên gia cho biết: “Việc định hướng nghề nghiệp quyết định đến thành công của bạn trong tương lai. Khi bạn có định hướng rõ ràng và đi đúng hướng thì bạn sẽ phát triển được trong nghề nghiệp đó của mình, có địa vị xã hội, và sự công nhận của mọi người  đó là thành công”.

Sinh viên Bùi Thị Hằng - K70 tại CSĐT Vĩnh Phúc với Dự án “Coffee - English” được lọt vào Vòng 2 Chung kết cuộc thi “Sinh viên Utt với ý tưởng khởi nghiệp” chia sẻ đôi lời về ý tưởng khởi nghiệp của bản thân mình với các em Tân sinh viên K71.

Hình ảnh đại biểu, diễn giả cùng sinh viên tham gia và hưởng ứng nhiệt tình các hoạt động Tuần sinh hoạt công dân - Tân sinh viên K71 và tại các buổi Tập huấn, Tọa đàm.

Tham gia buổi Tọa đàm, Trung tâm Khởi nghiệp còn mời thêm một số sinh viên là anh/chị các khóa 69, 70 đang tham dự Vòng 2- Chung kết cấp Trường cuộc thi “Sinh viên UTT với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020”, tham gia chia sẻ với vai trò Kinh nghiệm của người đi trước. Việc tương tác giữa Tân sinh viên năm thứ Nhất và sinh viên năm thứ Hai, thứ Ba tạo cho không khí các Tọa đàm được gần gũi, cởi mở và hiệu quả trong công tác sinh hoạt đầu khóa cho Tân sinh viên dễ hòa đồng và thích nghi với môi trường đại học và phương pháp học tập, nghiên cứu.

Chương trình Tập huấn và Tọa đàm nằm trong chuỗi các hoạt động thực hiện Kế hoạch học tập “Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa” của Nhà trường với các chủ đề chuyên sâu và dung lượng thời gian phù hợp dành cho Tân sinh viên năm thứ Nhất, tạo không khí học và chơi - chơi mà học để tạo động lực giúp Tân sinh viên sớm thích nghi hội nhập với thái độ phong cách chủ động hơn, đồng thời sự chăm chú lắng nghe và mạnh dạn tham gia tương tác, trao đổi những cảm nghĩ của bản thân trong học tập và tính tự chủ, tự lập khi xa gia đình, đặc biệt không ít Tân sinh viên khi tham gia các buổi Tọa đàm về Khởi nghiệp và Hướng nghiệp đã xung phong đăng ký tham gia để nói lên một số hoài bão ý tưởng Khởi nghiệp của bản thân đã ấp ủ từ ngày còn là học sinh. Cuối mỗi buổi Tập huấn và Tọa đàm Trung tâm Khởi nghiệp đã phát Phiếu khảo sát để các Tân sinh viên cảm nhận và đề xuất nguyện vọng, nội dung, tham gia ý kiến sau mỗi buổi lên lớp.

Một số hình ảnh hoạt động của sinh viên tại buổi Tập huấn, Tọa đàm ở CSĐT Vĩnh Phúc:

Các em Tân sinh viên khóa mới nghiêm túc lắng nghe tại buổi sinh hoạt Tập huấn, Tọa đàm - tại Cơ sở đào tạo Vĩnh Phúc.

 Một số hình ảnh hoạt động của sinh viên tại buổi Tập huấn, Tọa đàm ở Phân hiệu Hà Nội:

Các em Tân sinh viên khóa mới nghiêm túc lắng nghe tại buổi sinh hoạt Tập huấn, Tạo đàm - tại Phân hiệu Hà Nội.

Ảnh chụp lưu niệm sau khi kết thúc buổi Tọa đàm đợt 1 lớp 4 - Tân sinh viên khóa mới với Thày/cô và Diễn giả là Cộng tác viên Trung tâm Khởi nghiệp - tại Phân hiệu Hà Nội.

Thực hiện: Trung tâm Hỗ trợ SVKN&QHDN./.

 Bài viết thuộc chủ đề TIN TỨC BIGWORKS