35.3 Mô tả nghề Kỹ sư xây dựng công trình giao thông

  1. Tầm quan trọng của nghề Kỹ sư xây dựng công trình giao thông

Nghề Kỹ sư xây dựng công trình giao thông có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi họ chính là người thiết kế và thi công đảm bảo chất lượng về các công trình giao thông, giúp mọi người sẽ được sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại. Chính điều này cũng góp phần quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của nền kinh tế của đất nước.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của nghề Kỹ sư xây dựng công trình giao thông

Nhiệm vụ chung của nghề Kỹ sư xây dựng công trình giao thông là nghiên cứu, thiết kế, thi công, quản lý và khai thác các công trình giao thông phục vụ đời sống như: cầu, đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường hầm, cảng, sân bay,...

  1. Công việc hàng ngày của nghề Kỹ sư xây dựng công trình giao thông
  • Xây dựng mới hay sửa chữa nâng cấp các công trình cầu đường, giải quyết các vấn đề về giao thông (kẹt xe, hệ thống giao thông thông minh, tổ chức giao thông trong các khu đô thị mới…)
  • Khảo sát, thiết kế các công trình xây dựng
  • Tư vấn, phản biện các vấn đề kỹ thuật xây dựng
  • Triển khai thi công theo bản vẽ
  • Kiểm tra, cập nhật tiến độ thi công chi tiết, kế hoạch thực hiện ngày, tuần, tháng để đôn đốc nhà thầu thực hiện thi công và kịp thời báo cáo Lãnh đạo, đề xuất các giải pháp đối với các công việc bị chậm tiến độ
  • Giám sát tổ đội
  • Hướng dẫn, kiểm tra và ký hồ sơ chất lượng, bản vẽ hoàn công, xác nhận công việc của nhà thầu phù hợp với thực tế thi công tại công trình
  • Phối hợp với cán bộ chuyên trách để thực hiện công tác giám sát an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong quá trình thi công của nhà thầu theo quy định
  • Báo cáo công việc hàng ngày lên Ban chỉ huy công trường
  • Phối hợp với bộ phận văn phòng thực hiện nghiệm thu, thanh - quyết toán công trình
  1. Định hướng phát triển và cơ hội thăng tiến của nghề Kỹ sư xây dựng công trình giao thông

Làm nghề này, bạn phải nắm vững kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực xây dựng công trình giao thông như: trắc địa, thủy lực, kết cấu bê tông cốt thép cầu đường; thiết kế đường ô tô; kiểm định công trình; quy hoạch tuyến và thiết kế tổng thể công trình, tổ chức công trường xây dựng và chỉ đạo thi công, phân tích kinh tế và quản lý chất lượng, khai thác và sửa chữa công trình giao thông.

Ngoài ra, bạn phải giỏi về các môn tự nhiên, thực tế, thích mày mò, sáng tạo; có tư duy logic và đam mê kỹ thuật, có khả năng chịu được áp lực công việc cao.

Nhân sự ngành này có thể làm việc tại các công ty xây dựng cầu đường, công ty quản lý và sửa chữa công trình giao thông hoặc các công ty thuộc lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, thủy lợi và khai khoáng,...

Ngoài các vị trí cán bộ kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước về quy hoạch giao thông và hạ tầng kỹ thuật, Kỹ sư kỹ thuật xây dựng công trình giao thông còn đảm trách vai trò kỹ sư tư vấn trong các doanh nghiệp khối tư nhân trong và ngoài nước; kỹ sư thi công, giám sát thi công, quản lý dự án xây dựng công trình giao thông; cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các viện, trường đại học.