Ngành Pháp lý hiểu đơn giản là cung cấp về các dịch vụ pháp lý, pháp luật, nhằm cung cấp các giải pháp về vấn đề pháp lý liên quan và phát sinh từ các hoạt động của đời sống cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Làm trong ngành pháp lý, bạn bắt buộc phải là người có tư duy logic, khả năng phân tích, phản biện. Nếu bạn là người có tư duy, bạn sẽ học và hiểu về kiến thức luật nhanh hơn. Không những thế, bạn sẽ biết cách phân tích tình huống pháp lý phát sinh trong thực tiễn; vận dụng pháp luật nhạy bén, linh hoạt trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, bạn phải biết phản bác lại lý lẽ, ý kiến quan điểm của người khác mà mình cho là không phù hợp với pháp lý và đạo lý.
Người làm trong ngành dịch vụ pháp lý phải là người có suy nghĩ độc lập, có chính kiến và cực kì bản lĩnh. Khi công ty đứng trước một vấn đề nào đó liên quan đến luật pháp, bạn phải là người cực kì am hiểu luật, bạn sẽ phải đưa ra chính kiến của mình về vấn đề đó. Ngoài ra, người làm ngành pháp lý phải là người có bản lĩnh, phải kiên định làm việc theo pháp luật. Bởi nếu thiếu bản lĩnh, từ một người làm pháp lý giỏi, họ sẽ dễ sa ngã, dẫn tới hành vi vi phạm luật pháp, lách luật, “bẻ cong” luật pháp để làm những điều không tốt.
Ngành pháp lý đòi hỏi cần có sự giao tiếp, tương tác giữa các bên. Đối với nghề luật sư, bạn không chỉ cần hiểu luật, bạn còn phải giao tiếp với thân chủ của mình, tìm hiểu mọi vấn đề của thân chủ. Hoặc họ phải đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng rõ ràng trước toàn thể hội đồng xét xử… Hay với những vị trí cần tư vấn luật pháp, họ phải giao tiếp tốt mới có thể tư vấn để khách hàng hiểu.
Làm trong ngành pháp lý, chắc chẳn bạn phải nắm vững những nội dung cơ bản và phân biệt được các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam; những quy định của pháp luật trong việc quản lý hành chính Nhà nước và quản lý nhân sự. Từ những kiến thức đó có thể vận dụng những quy định của pháp luật vào thực hiện các dịch vụ tư vấn pháp lý và các nhiệm vụ khác có liên quan đến pháp luật.
Ngoài ra, họ phải luôn tự cập nhật các kiến thức pháp luật mới để có thể áp dụng luật theo đúng quy định pháp luật.
Môi trường làm việc của ngành Pháp lý khá đa dạng. Bạn có nhiều cơ hội làm việc tại các phòng, ban pháp chế, thanh tra, văn phòng thuộc tất cả các sở, ban, ngành, các cơ quan hành chính địa phương…; các tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức xã hội – nghề nghiệp có liên quan đến việc cung ứng các dịch vụ pháp lý; doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, nhân sự ngành dịch vụ pháp lý có thể làm việc trong những đơn vị có liên quan trực tiếp đến dịch vụ pháp lý như: phòng công chứng, văn phòng luật sư, cán bộ tư pháp, hộ tịch, địa chính, nhà đất, toà án,…