Ngành Báo chí – Truyền hình được coi là lĩnh vực chủ chốt của truyền thông đại chúng với các loại hình báo chí: báo giấy, tạp chí, truyền hình, phát thanh, báo ảnh, báo điện tử, hãng thông tấn.
Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đặc thù của họ là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về tất cả những sự kiện mới mà công chúng cần được biết mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, thậm chí là mỗi giây.
Với nghề báo chí, bạn phải thực sự nhanh nhạy với thông tin. Lúc nào bạn cũng phải nắm bắt thông tin mới, quan tâm đến sự kiện, luôn biết phát hiện vấn đề, nhanh nhạy và tháo vát trong tiếp nhận, xử lý thông tin. Bên cạnh đó, bạn cũng phải biết cách chọn lọc thông tin để đưa đến người đọc, người xem những bản tin, bài viết chất lượng. Nếu không cập nhật tin tức liên tục thì tin của bạn đăng lên ra sẽ “nguội”, ít được độc giả quan tâm.
Kỹ năng viết tốt cũng rất quan trọng đối với người làm ngành báo chí. Một bài báo không chỉ cung cấp thông tin mà còn phải viết chỉn chu và có ý đồ. Với các tin nóng xã hội, bạn phải cập nhật thông tin mới nhất lên phía trên, phía dưới tin là nhắc lại sự việc đã xảy ra.
Do đi nhiều, tìm hiểu nhiều, nhà báo thường có vốn kiến thức rất phong phú, quan hệ xã hội rộng và đa dạng…
Nhà báo làm việc vất vả dưới sức ép căng thẳng của công việc và thời hạn, đặc biệt là ở các đài truyền hình. Họ phải đi nhiều, liên tục chạy theo các sự kiện mới. Hoặc nhiều khi họ phải làm cho tới tận khuya để trực tin tức, phát sóng sự kiện trực tiếp.
Nghề báo dùng ngòi bút của mình để đấu tranh cho cái xấu. Do đó, khi nhìn nhận một vấn đề nào đó, bạn phải viết bài một cách trung thực, viết đúng sự thật và khách quan. Bởi một khi những gì bạn đã nói và viết lên mặt báo thì hàng ngàn, hàng vạn người biết đến, nếu không nói đúng sự thật thì tác hại vô cùng. Nếu bạn “bẻ cong” ngòi bút để thực hiện cho điều phi pháp thì là bạn đang đánh mất lương tâm của chính mình. Nghề báo có nhiều cám dỗ, do đó, hãy giữ cho mình vững tâm, luôn trong sạch.
Nhạy cảm, biết phân tích vấn đề luôn thường trực trong các nhà báo. Bởi, với một số tin tức chính trị, bạn phải khá nhạy cảm với thông tin, phân tích thông tin này đã đúng hay chưa thì mới đưa tin, bài.
Nghề báo khá nguy hiểm, đặc biệt với những phóng viên thuộc mảng điều tra kinh tế, tệ nạn xã hội, phóng viên chiến trường… Bởi, chính bạn sẽ phải xâm nhập vào những môi trường vô cùng nguy hiểm để tìm hiểu, khai thác thông tin. Thậm chí, sau khi bài viết được lên tin, lên sóng, nhà báo còn bị đe dọa đến tính mạng. Do đó, phải thực sự can đảm, dám chiến đấu, bạn mới có thể theo nghề báo.
Ngành Báo chí – Truyền hình rất quan tâm đến kỹ năng giao tiếp. Bởi là một phóng viên, bạn phải thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng, nhân vật cần tìm hiểu, phỏng vấn. Do đó, giao tiếp tốt cộng với kỹ năng tác nghiệp nghề báo bạn sẽ khai thác thông tin chất lượng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần gặp gỡ với các tổ chức để phục vụ tác nghiệp báo chí truyền thông.
Đối với ngành báo chí, bạn cần chủ động, tích cực trong khi làm việc cùng ekip để sản xuất sản phẩm truyền thông. Kỹ năng làm việc nhóm tốt sẽ giúp bạn dễ hòa nhập; phối hợp với các bộ phận chuyên trách các mảng công việc khác nhau.
Nếu ở báo in, nhà báo làm việc tương đối độc lập thì ở lĩnh vực truyền hình, nhà báo thường làm việc theo nhóm gồm phóng viên, quay phim,…
Môi trường làm việc của ngành Báo chí – Truyền hình khá năng động. Họ có thể làm việc trong văn phòng. Tuy nhiên khi cần đi lấy tin tức, phỏng vấn, họ sẽ phải di chuyển ra ngoài. Hoặc họ sẽ phải đi công tác lâu ngày.
Nhà báo làm việc tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng tin, đài phát thanh, đài truyền hình, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học về báo chí và truyền thông đại chúng,…