Từ Covid-19 đến cơ hội trăm năm cho “cú huých số” với Việt Nam

Từ Covid-19 đến cơ hội trăm năm cho “cú huých số” với Việt Nam

Đầu tháng 4/2020, sau ngày cách ly toàn quốc đầu tiên ở Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên của Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng chia sẻ góc nhìn riêng của mình trên trang cá nhân về sự thay đổi của nền kinh tế do đại dịch Covid-19.

Chuyên gia kinh tế này viết: "Hãy xem giờ đây mỗi ngày, mỗi người dành mấy giờ sống với iPhone, với facebook và số giờ đấy đang tăng nhanh như thế nào khi bị cách ly xã hội" và ông đưa ra nhận định trong bối cảnh cách ly toàn xã hội là "nền kinh tế số lấn át nhanh chóng nền kinh tế thực".

Từ Covid-19 đến cơ hội trăm năm cho “cú huých số” với Việt Nam - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Một nền kinh tế phát triển dựa vào sáng tạo công nghệ sẽ đưa Việt Nam tới những cơ hội hoàn toàn mới".

Thực tế cho thấy, sau khi đại dịch nổ ra và lây lan mạnh ở Việt Nam, kinh tế số phát triển mạnh hơn rất nhiều so với trước. "Trước đây, người ta ra chợ hàng ngày, ngày nào cũng mua. Thời Covid-19, do lo ngại về dịch bệnh, họ sẽ giảm việc tự đi chợ. Nhưng nhờ thương mại điện tử, việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện, người ta vẫn duy trì được việc mua hàng tương đối bình thường. Thương mại điện tử và nhiều dịch vụ số khác sẽ phát triển mạnh hơn khi Covid-19 xuất hiện. Cấu trúc thương mại và cơ cấu tiêu dùng sẽ thay đổi mạnh", PGS.TS Trần Đình Thiên lấy một ví dụ cho sự phát triển của kinh tế số.

6 tháng đầu năm 2020, GDP Việt Nam tăng trưởng 1,81% - một con số tăng trưởng dương hiếm hoi ở khu vực trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh và thời gian cách ly toàn xã hội. Thành tựu đó có lẽ có sự đóng góp không nhỏ của kinh tế số khi giúp cho việc vận hành thương mại và hành chính của toàn xã hội.

Thế nhưng, việc kỳ vọng kinh tế số có thể tạo ra một cú huých mạnh cho phục hồi kinh tế ngay trong những tháng cuối năm lại không đơn giản. GS.TS Nguyễn Đức Khương, Trường kinh doanh IPAG (Paris) – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, nếu muốn kinh tế số thực sự cất cánh và giúp thay đổi nền kinh tế thì các doanh nghiệp Việt Nam cần có những giải pháp số hiệu quả, sáng tạo công nghệ, có giá trị gia tăng cao cho chính các nhu cầu của người Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Đức Khương nhận xét: Khi nhu cầu nội địa về những nền tảng trực tuyến tăng mạnh, nguồn cung từ giải pháp công nghệ cũng tăng lên rất nhanh và các doanh nghiệp Việt cần giải được bài toán này. Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận xét: "Một nền kinh tế phát triển dựa vào sáng tạo công nghệ sẽ đưa Việt Nam tới những cơ hội hoàn toàn mới".

Vậy làm thế nào để có thật nhiều giải pháp công nghệ số sáng tạo, hiệu quả, phục vụ cho nhu cầu của người Việt Nam, đem đến cơ hội thay đổi lớn cho nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề của Covid-19? Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt chính là một lời giải. Và một hoạt động rất thiết thực mới được triển khai nằm trong chiến lược này là cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia (Viet Solutions 2020) do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức.

Từ Covid-19 đến cơ hội trăm năm cho “cú huých số” với Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: "Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng toàn dân".

Trong buổi lễ phát động Viet Solutions tổ chức đầu tháng 7/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Đại dịch covid-19 là cơ hội và cú huých trăm năm để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số trên bình diện toàn bộ quốc gia: cả kinh tế, cả xã hội; cả nhà nước, cả doanh nghiệp; cả cộng đồng, cả người dân" nhưng lưu ý "chuyển đổi số là một cuộc cách mạng toàn dân" và "đây là lúc phát huy để đất nước bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng".

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh một yếu tố quan trọng, hấp dẫn các startup công nghệ tham dự Viet Solutions 2020 với các mô hình kinh doanh mới: "Cái mà các doanh nghiệp công nghệ số cần nhất chính là thị trường. Các bộ ngành cho phép, cấp giấy khai sinh cho các mô hình mới chính là tạo ra thị trường cho chuyển đổi số. Có thị trường thì sẽ có đầu tư, có công nghệ, có con người".

Bên cạnh câu chuyện tạo ra thị trường cho các giải pháp chuyển đổi số sáng tạo, hiệu quả từ các nhà hoạch định sách, vai trò "bà đỡ" của những tập đoàn công nghệ lớn như Viettel và nhiều chuyên gia tư vấn công nghệ, kinh doanh sừng sỏ trong nước và quốc tế ở Viet Solutions cũng là những điểm hấp dẫn lớn khác.

Nhận xét về cơ hội của các startup khi tham dự Viet Solutions, Gene Soo - đồng sáng lập hệ sinh thái khởi nghiệp tiên phong của Hong Kong, mentor của Viet Solutions 2020, nói: "Các tập đoàn sẽ có nhiều kinh nghiệm bán hàng hơn, cũng như đã thiết lập được mạng lưới các mối quan hệ kinh doanh từ trước đó. Từ đó, các tập đoàn có thể giúp các công ty khởi nghiệp đẩy nhanh sản phẩm ra thị trường".

Còn ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ: "Viettel với kinh nghiệm cạnh tranh quốc tế nên có các tiêu chuẩn khắt khe, có hơn 100 triệu khách hàng nên có kinh nghiệm về nên hiểu được nhu cầu của thị trường. Đây là những cơ sở để có thể cùng với các doanh nghiệp cùng phát triển các nền tảng công nghệ mới".

Vậy có thể hy vọng điều gì từ một hoạt động nổi bật sau khi Chiến lược chuyển đổi số quốc gia vừa được phê duyệt? Có lẽ như kỳ vọng của PGS.TS Trần Đình Thiên về một nền kinh tế "đứng dậy" hậu Covid-19 sẽ được "thay máu" bởi những doanh nghiệp khởi nghiệp mới, với những mô hình kinh doanh mới của thời đại số. Viet Solutions 2020 có thể chưa tạo ra một "dòng máu mới" nhưng sẽ có nhiều nhân tố mới cho "cơ hội trăm năm" để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam.

 Bài viết thuộc chủ đề Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP