Mô tả vị trí Giám đốc nhân sự

  1. Tầm quan trọng của Giám đốc nhân sự

Một công ty muốn phát triển nhanh thì phải làm tốt việc tìm ra nhân tài. Thực tế, người lãnh đạo không thể “một tay ôm cả bầu trời”, họ không có đủ thời gian cũng như trực tiếp làm mọi việc mà cần đến rất nhiều những bộ phận giúp việc khác. Vì vậy, áp lực tìm người và giữ người được đặt lên vai của giám đốc nhân sự.

Giám đốc nhân sự có thể coi là người chăm sóc và nuôi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Họ có trách nhiệm tìm kiếm nhân tài, giữ chân nhân tài, cũng như kết nối toàn thể nhân viên trong doanh nghiệp để tạo ra sức mạnh giúp doanh nghiệp tiến về phía trước.

Như vậy, vị trí giám đốc nhân sự không chỉ có ý nghĩa đối với sự vận hành của doanh nghiệp mà còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của Giám đốc nhân sự

Giám đốc nhân sự là người chịu trách nhiệm việc thiết kế và triển khai kế hoạch nhân sự tổng thể của công ty, kiểm soát các số liệu, báo cáo liên quan tới việc tuyển dụng, đào tạo - phát triển, chính sách đại ngộ, thưởng phạt, quy chế cho nhân viên của công ty.

  1. Công việc hàng ngày của Giám đốc nhân sự
  • Chịu trách nhiệm đưa ra kế hoạch/chiến lược nhân sự tổng thể cho doanh nghiệp (cả ngắn hạn và dài hạn), trình bày kế hoạch với ban quản trị và toàn thể công ty.
  • Điều hành, quản lý đội nhóm, các phòng ban nhỏ trong bộ phận Nhân sự của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện để tối đa hóa phát triển tiềm năng con người, đảm bảo quyền lợi nhân sự, đảm bảo các vị trí trong doanh nghiệp để cả bộ máy vận hành tốt.
  • Phân tích và sắp xếp các số liệu cụ thể liên quan đến nhân sự bao gồm các số đo về KPIs, đánh giá năng lực nhân sự, tỷ lệ nghỉ việc, tuyển dụng nhân sự, các chỉ tiêu trong chính sách nhân sự của doanh nghiệp tương ứng với kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Tìm ra các kẽ hở về nhân sự trong doanh nghiệp (thiếu nhân sự, nhân sự thiếu năng lực, kiến thức hay thái độ làm việc), các vấn đề về sự thỏa mãn của nhân sự khi làm việc tại doanh nghiệp. Chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề này.
  • Hợp tác với các chuyên viên Nhân sự trong bộ phận để thực hiện tốt các nhiệm vụ phân tích và đánh giá. CHRO là người tổng hợp và bao quát nhưng khi cần thiết vẫn cần sát sao tiểu tiết công việc của chuyên viên. 
  • Hiểu rõ ngành nghề của doanh nghiệp, đưa ra đề xuất tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự/phòng ban mới phù hợp với xu thế kinh doanh hiện đại, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
  • Thực hiện các nhiệm vụ về nhân sự khác mà ban quản trị ủy nhiệm.
  1. Cơ hội phát triển thăng tiến của Giám đốc nhân sự

Giám đốc nhân sự là vị trí cao trong một doanh nghiệp. Đặc biệt, vị trí này chỉ có trong các tổ chức, doanh nghiệp lớn. Vì vậy, để có thể đảm nhận vị trí này, bạn phải xuất phát từ vị trí thấp hơn: nhân viên tuyển dụng, nhân viên quản lý tiền lương và phúc lợi, nhân viên đào tạo, trưởng phòng nhân sự,…

Một giám đốc nhân sự cần phải có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt đội nhóm; có kinh nghiệm triển khai các chiến lược, kế hoạch nhân sự (chiến lược nhân sự, kế hoạch đào tạo, chính sách - quy chế trong doanh nghiệp) ngắn và dài hạn; khả năng thuyết trình tốt; kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề nội bộ, khả năng làm việc 1-1 tốt. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải thấu hiểu và duy trì văn hóa doanh nghiệp; nhạy bén trong nắm bắt xu thế kinh doanh để tuyển dụng, bổ nhiệm các nhân sự mới, phù hợp với điểm khuyết thiếu của doanh nghiệp...