Mô tả vị trí Trưởng phòng đào tạo

  1. Tầm quan trọng của Trưởng phòng đào tạo

Trưởng phòng đào tạo là vị trí đứng đầu trong phòng của một trường học. Họ được coi là cơ quan đầu não quản lý về vấn đề đào tạo của trường và của học sinh, sinh viên.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của Trưởng phòng đào tạo

Trưởng phòng đào tạo sẽ có nhiệm vụ tham mưu, giúp hiệu trưởng xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của trường về chương trình đào tạo; tổ chức chỉ đạo, thực hiện và giám sát công tác giảng dạy, học tập của các hệ đào tạo, bậc học từ đại học đến sau đại học theo các quy định hiện hành.

  1. Công việc hàng ngày của Trưởng phòng đào tạo

Dưới đây là công việc của Trưởng phòng đào tạo trong một trường đại học, bạn có thể tham khảo:

  • Tham mưu, giúp Hiệu trưởng trong việc xác định mục tiêu đào tạo, quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề, mở các ngành, chuyên ngành mới; nghiên cứu đề xuất các biện pháp nhằm cải tiến và hoàn thiện nội dung, chương trình, quy trình, giáo trình, phương pháp đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo.
  • Tham mưu và giúp Hiệu trưởng quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo liên kết quốc tế.
  • Xây dựng kế hoạch giảng dạy chung của toàn Trường cho từng khoá học, năm học, học kỳ; lập thời khoá biểu, bố trí và điều hành lịch trình giảng dạy – học tập.
  • Theo dõi và kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch giảng dạy, chương trình đào tạo và quy chế giảng dạy – học tập ở các khoa; đề xuất, bổ sung hoặc điều chỉnh khi cần thiết để Hiệu trưởng xem xét quyết định.
  • Quản lý hành chính về đào tạo các bậc học, hệ đào tạo của Trường theo đúng các quy chế về đào tạo đại học, sau đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo và trường ban hành; tập hợp, thống kê và xử lý các thông tin về giáo vụ và học vụ.
  • Tham mưu cho Hiệu trưởng các chế độ chính sách đối với cán bộ giảng dạy trong Trường và cán bộ thỉnh giảng, phục vụ giảng dạy; kiểm tra xác nhận giờ giảng của giảng viên để Nhà trường trả thù lao; đề xuất ý kiến về nhu cầu cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ giảng dạy - học tập.
  • Tổ chức hướng dẫn giải đáp thắc mắc của sinh viên, học viên về quy chế học tập, kiểm tra, thi.
  • Lập kế hoạch triển khai tổ chức tuyển sinh các hệ đào tạo đại học, sau đại học hàng năm; đầu mối tổ chức công tác tuyển sinh cùng các đơn vị khác trong Trường.
  1. Cơ hội phát triển thăng tiến của Trưởng phòng đào tạo

Để đảm nhận được chức vụ Trưởng phòng đào tạo đòi hỏi bạn phải có bằng đại học trong lĩnh vực giáo dục; có kinh nghiệm làm việc ở vị trí trưởng phòng đào tạo hoặc tương đương; có kinh nghiệm xây dựng và tổ chức thành công các chương trình đào tạo,...

Bên cạnh đó, bạn phải có kỹ năng lãnh đạo và tổ chức, truyền thông; giao tiếp. Ngoài ra, bạn phải nắm vững các phương pháp đào tạo truyền thống và hiện đại; có khả năng thực hiện nhiều công việc trong cùng một khoảng thời gian một cách hiệu quả; có khả năng viết tốt (để thực hiện báo cáo và xây dựng tài liệu hướng dẫn)...

Chức danh Trưởng phòng đào tạo thường được sử dụng trong giáo dục. Tuy nhiên, chức danh này còn được dùng trong các doanh nghiệp. Họ là người tổ chức và quản lý các chương trình đào tạo, tập huấn trong một tổ chức, doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao kỹ năng cho nhân viên. Từ vị trí Trưởng phòng đào tạo, bạn có cơ hội phát triển lên các cấp bậc cao hơn như Phó Giám đốc đào tạo, Giám đốc đào tạo,…

 Bài viết thuộc chủ đề 19. Giáo dục đào tạo