22. Khái niệm đặc điểm nhân sự ngành tài chính ngân hàng

  1. Khái niệm ngành Tài chính – Ngân hàng

Tài chính - Ngân hàng là một ngành khá rộng, liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ.

Cụ thể hơn, Tài chính ngân hàng là kinh doanh về lĩnh vực tiền tệ thông qua ngân hàng và các công cụ tài chính được ngân hàng phát hành nhằm bảo lãnh, thanh toán, chi trả trong nội địa và quốc tế. Liên quan đến Tài chính ngân hàng, rất nhiều lĩnh vực chuyên sâu như Tài chính doanh nghiệp, Tài chính bảo hiểm, Tài chính thuế, chuyên ngành Phân tích tài chính, Kinh tế học tài chính…

  1. Đặc điểm ngành Tài chính – Ngân hàng
    1. Đặc điểm nhân sự ngành Tài chính – Ngân hàng
  • Kĩ năng giao tiếp tốt

Người làm trong lĩnh vực ngân hàng phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi giao tiếp với khách hàng. Do đó, nhân viên phải có khả năng giao tiếp tốt, có thái độ cư xử nhẹ nhàng, nhã nhặn với khách hàng. Bởi đây là ngành dịch vụ, những người làm ngân hàng sẽ đại diện cho hình ảnh của cơ quan, tổ chức đó. Nếu phục vụ không tốt, khách hàng có thể tìm đến nơi khác.

Việc giao tiếp tốt là yếu tố mang tính quyết định đến hướng đi cũng như khả năng phát triển, thăng tiến của bạn trong nghề.

  • Biết lắng nghe và kiểm soát cảm xúc tốt

Vì thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng, do đó, nhân viên ngân hàng lúc nào cũng giữ thái độ vui vẻ, hòa nhã. Khi khách có nóng giận hoặc thúc giục công việc, hoặc chưa hiểu để diễn đạt ý của mình thì bạn cần phải biết lắng nghe, kiên nhẫn giải đáp, tránh nóng giận. Hoặc nhiều khi bạn buồn bực về vấn đề cá nhân, nhiều khi nhân viên lại “giận cá chém thớt” lên khách hàng. Việc không kiểm soát tốt cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến khách hàng, ảnh hưởng đến công việc. Và điều đó cho thấy bạn là một người thiếu chuyên nghiệp.

  • Trung thực, thật thà

Đây là một ngành bạn có cơ hội được tiếp xúc khá nhiều với tiền bạc. Do đó, trung thực là một yêu cầu không thể thiếu với người làm trong ngành này. Việc gian lận, biển thủ công quỹ có thể khiến cho bạn không thể tiếp tục với nghề, thậm chí, nếu nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến bị kiện ra tòa và lãnh án tù.

  • Chịu được áp lực cao

Ngành ngân hàng có sự cạnh tranh và đòi hỏi sự tập trung cao độ. Do đó, bạn phải chuẩn bị cho mình một “tinh thần thép”, độ tập trung cao, chịu được áp lực công việc thì mới có thể trụ vững với nghề. Bởi nếu như bạn lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, tinh thần không thể tập trung thì rất dễ mắc lỗi và phải chịu hậu quả nặng nề cho sai lầm đó.

  • Nắm vững kiến thức khối ngành kinh tế, tài chính, tiền tệ, kế toán

Bạn không thể ra ngoài làm việc mà lại không có kiến thức gì trong tay. Vì các công việc trong ngành ngân hàng liên quan đến tiền tệ nên bắt buộc bạn phải biết các kiến thức cơ bản cũng như chuyên ngành về kinh tế, tài chính, tiền tệ, kế toán.

  • Nghiệp vụ cơ bản tốt

Nhà trường sẽ là nơi cung cấp kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu cho bạn về ngành Tài chính – Ngân hàng. Tuy nhiên, việc áp dụng những kiến thức lí thuyết đó vào thực tế công việc hay không lại tùy thuộc vào mỗi người. Người có nghiệp vụ cơ bản tốt là người biết áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn một cách linh hoạt và thông minh, giúp tăng hiệu quả công việc lên mức cao nhất.

    1. Môi trường làm việc của ngành Tài chính – Ngân hàng

Môi trường làm việc trong ngành ngân hàng khá hiện đại và năng động. Bạn sẽ được tiếp xúc với những vấn đề sôi động nhất của nền kinh tế: thị trường tài chính và tiền tệ. Với điều kiện yêu cầu của công việc, chủ yếu bạn sẽ làm trong văn phòng với trang bị cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại và sang trọng. Điều kiện làm việc tốt sẽ dễ tạo cho bạn cảm giác thoải mái và tự tin trong công việc.

Bạn có thể làm việc ở:

  • Ngân hàng thương mại
  • Tổ chức tín dụng phi ngân hàng (như công ty bảo hiểm, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, quỹ đầu tư,...)
  • Các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính ngân hàng: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Ngân hàng trung ương, Cục Thuế, Hải quan
  • Công ty kiểm toán
  • Công ty kinh doanh bất động sản, công ty chứng khoán
  • Bộ phận tài chính của các công ty, tập đoàn vừa và lớn
  • Phòng Kế hoạch – Tài chính của các trường đại học, học viện, cao đẳng...
  1. Các vị trí công việc, nghề nghiệp thường gặp trong ngành tài chính – ngân hàng
  • Giao dịch viên
  • Chuyên viên quan hệ khách hàng
  • Trưởng phòng giao dịch
  • Chuyên viên tín dụng ngân hàng
  • Chuyên viên kế toán, kiểm toán nội bộ ngân hàng thương mại
  • Kế toán viên phòng thanh toán quốc tế
  • Nhân viên kinh doanh ngoại tệ
  • Chuyên viên kinh doanh tiền tệ
  • Chuyên viên quản trị tài sản và nguồn vốn
  • Chuyên viên tài trợ thương mại
  • Chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp
  • Chuyên viên định giá tài sản
  • Chuyên viên phân tích đầu tư chứng khoán
  • Chuyên viên mua bán, sát nhập doanh nghiệp
  • Chuyên viên thẩm định dự án
  • Chuyên viên xử lý nợ xấu
  • Giám đốc chi nhánh ngân hàng
  • Giám đốc khu vực ngân hàng
  • Giảng viên ngành tài chính ngân hàng