22.2 Mô tả nghề nhân viên tín dụng ngân hàng

  1. Tầm quan trọng của nghề nhân viên tín dụng ngân hàng

Người làm tín dụng (thực hiện trực tiếp nghiệp vụ tín dụng) là cầu nối giữa ngân hàng (tổ chức có vốn) và khách hàng (cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp có nhu cầu vốn).

Họ là một trong những thành phần không thể thiếu của ngân hàng. Nhân viên tín dụng có đóng góp quan trọng tại các ngân hàng. Khi họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhân viên tín dụng có nghĩa là họ đóng vai trò vô cùng lớn trong việc giúp ngân hàng phát triển lớn mạnh.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của nhân viên tín dụng ngân hàng

Hiện nay tại Việt Nam, các ngân hàng không ngừng thay đổi mô hình, do đó các nhân viên tín dụng cũng không ngừng thay đổi để thích nghi hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, nhiệm vụ của một nhân viên tín dụng chủ yếu vẫn bao gồm những nhiệm vụ chính: theo sát tất cả các hoạt động tư vấn, quản lý khách hàng.

  1. Công việc hàng ngày của nghề nhân viên tín dụng ngân hàng
  • Tiếp thị, tìm kiếm khách hàng tiềm năng: những người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ của ngân hàng như vay vốn, làm thẻ, gửi tiền thanh toán, gửi tiền tiết kiệm…
  • Tiếp xúc, hướng dẫn và tư vấn cho khách hàng hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định của ngân hàng
  • Giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng
  • Hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để tiến hành vay vốn ngân hàng
  • Thẩm định những khách hàng có nhu cầu vay vốn
  • Làm báo cáo trình các cấp xét duyệt cho vay hoặc từ chối cho vay
  • Lập hợp đồng tín dụng và những giấy tờ có liên quan
  • Theo dõi và lập hồ sơ giải ngân theo yêu cầu của khách hàng và các quy định về giải ngân của ngân hàng
  • Kiểm tra tình trạng sử dụng vốn vay theo quy định của ngân hàng và theo dõi việc trả nợ gốc và lãi vay của khách hàng theo hợp đồng giữa ngân hàng và người vay vốn
  • Thực hiện thanh lý hợp đồng hay tổng hợp chuyển hợp đồng không có khả năng thanh toán sang nhóm nợ xấu để ngân hàng có hướng giải quyết
  1. Định hướng phát triển, cơ hội thăng tiến của nghề nhân viên tín dụng ngân hàng

Nhân viên tín dụng thường xuyên chịu áp lực rất cao từ phía khách hàng và cấp trên. Do đó, nhiều người làm nghề này đã phải từ bỏ. Thế nhưng, nhiều nhân viên thực hiện tốt công việc và hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu lại giúp có một công việc ổn định và mức lương tương đối cao.

Cơ hội thăng tiến đặc biệt tăng cao khi các ngân hàng luôn luân chuyển nhân sự liên tục. Từ một nhân viên tín dụng, bạn có cơ hội thăng tiến lên các cấp bậc cao hơn: chuyên viên tín dụng; chuyên viên tín dụng bậc 1, 2, 3; chuyên viên tín dụng cao cấp… Hoặc sau một hoặc vài năm kinh nghiệm, từ chuyên viên tín dụng bạn có thể thăng cấp lên Tổ trưởng, Phó phòng, Trưởng phòng, Giám đốc,…

Thế nên, ngay từ bây giờ hãy rèn luyện, xây dựng cho mình một phong cách thái độ chuyên nghiệp, xử lí thông minh, giao tiếp tốt, chuyên môn cao... Bởi khi đã đủ trình độ chuyên môn, kĩ năng, nhân viên tín dụng ngân hàng sẽ nhận được những đánh giá tốt, sự tin tưởng từ phía khách hàng; đồng nghĩa với việc bạn có cơ hội kiếm được nhiều hợp đồng hơn, cơ hội thăng tiến nhanh và cao hơn.