22.1 Mô tả nghề giao dịch viên ngân hàng

  1. Tầm quan trọng của nghề Giao dịch viên trong ngân hàng

Nghề giao dịch viên được ví như một khâu “mắt xích” quan trọng trong hệ thống của ngân hàng. Hàng ngày, họ ngồi ở quầy giao dịch và trực tiếp tiếp xúc, xử lý giải quyết các nhu cầu của khách hàng. Đây là vị trí phản ánh chất lượng dịch vụ, được coi là đại diện hình ảnh và thương hiệu cho ngân hàng. Do đó, để làm được nghề này, họ không chỉ có vẻ bề ngoài ưa nhìn mà còn phải là người nhanh nhẹn, hoạt bát, có nghiệp vụ, giao tiếp tốt, thông minh.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của Giao dịch viên ngân hàng

Nhiệm vụ chung của các giao dịch viên là phục vụ các nhu cầu giao dịch cơ bản của các khách hàng như nộp tiền, rút tiền, ủy nhiệm chi, thu hộ, chi hộ, mở tài khoản, xử lý thông tin tài khoản, hạch toán giao dịch… cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

  1. Công việc hàng ngày của nghề giao dịch viên
  • Đón tiếp khách hàng đến thực hiện giao dịch tại quầy
  • Tìm hiểu và nắm rõ các nhu cầu của khách hàng
  • Tư vấn, hướng dẫn khách hàng trên cơ sở sản phẩm và dịch vụ cung cấp, phù hợp với đúng nhu cầu khách hàng mong muốn
  • Giới thiệu các sản phẩm và chương trình khuyến mãi, chiến dịch marketing cho khách hàng
  • Giải đáp thắc mắc của khách hàng
  • Khai thác các nhu cầu của khách hàng để giới thiệu bán chéo và bán thêm sản phẩm
  • Tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của khách hàng trong phạm vi thẩm quyền cho phép, đảm bảo bí mật thông tin cho khách hàng.
  • Thực hiện các giao dịch cho khách hàng: Mở và quản lý tài khoản, gửi tiền, thanh toán, phát hành thẻ, thu chi tiền mặt và thu đổi ngoại tệ, chi trả kiều hối, lệnh thanh toán, chuyển tiền…
  • Trực tiếp giao dịch, cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngay tại quầy cho khách hàng một cách an toàn, hiệu quả, kịp thời với chất lượng dịch vụ tốt nhất
  • Chăm sóc, đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ phục vụ cho khách hàng theo quy định của ngân hàng.
  • Quan tâm, chăm sóc khách hàng sau bán nhằm tạo mối quan hệ tốt đẹp, thúc đẩy khách hàng sử dụng thêm sản phẩm, dịch vụ khác hoặc giới thiệu thêm khách hàng mới.
  1. Định hướng phát triển, cơ hội thăng tiến của nghề giao dịch viên

Cơ hội thăng tiến trong nghề giao dịch viên hoàn toàn rộng mở. Nếu bạn tích lũy được kinh nghiệm trong nhiều năm, hoàn thành được chỉ tiêu đề ra, tỉ lệ phục vụ khách hàng tốt, mức độ hài lòng của khách hàng cao, bạn có cơ hội được ứng tuyển nội bộ tại các vị trí cao hơn.

Từ vị trí giao dịch viên, bạn có thể tiến tới công việc kiểm soát viên, Phó/Trưởng phòng dịch vụ khách hàng, Phó Giám đốc vận hành, Giám đốc chi nhánh...

Do đó, để có thể đạt được các vị trí như mong muốn, bạn phải tích cực rèn luyện các kỹ năng: làm việc nhóm kết hợp làm việc độc lập tốt; kỹ năng giao tiếp, lắng nghe; kỹ năng xây dựng, tạo lập mối quan hệ cá nhân; kỹ năng đặt câu hỏi và xử lý tình huống... Các phẩm chất cần có của một giao dịch viên: trung thực, cẩn thận, tỉ mỉ; hòa nhã, ưa thích giao tiếp; thái độ cầu thị trong công việc,… Ngoài ra, bạn cần có kiến thức nghiệp vụ: hiểu biết về nền tảng cơ bản ngành kế toán ngân hàng, kho quỹ; kiến thức chung về khách hàng, thị trường và ngân hàng cạnh tranh; kiến thức về ngân hàng: sản phẩm dịch vụ ngân hàng, sản phẩm bán chéo, văn bản nghiệp vụ liên quan...