27.1 Mô tả nghề bán hàng trang sức

  1. Tầm quan trọng của nghề Bán hàng trang sức

Người làm nghề bán hàng được coi là những nhân viên thúc đẩy doanh số bán hàng cho cửa hàng hoặc công ty. Họ sẽ là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng nên sẽ nắm bắt và hiểu nhu cầu thị hiếu của thị trường. Vì vậy, người bán hàng có thể đề xuất những chiến lược, những mẫu mã thiết kế đang được ưa chuộng cho cấp trên để có những cải tiến mẫu mã trang sức.

Ngoài ra, người bán hàng trang sức chính là người đại diện thương hiệu, được coi là bộ mặt, hình ảnh của công ty trang sức đó. Mọi sự đánh giá của khách hàng sẽ dựa vào thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng. Vì vậy, nhân viên bán hàng rất được coi trọng, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bán hàng và xây dựng thương hiệu công ty trang sức.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của nghề Bán hàng trang sức

Nhiệm vụ chung của nghề bán hàng trang sức là thường xuyên gặp gỡ chào đón, tư vấn về kiểu dáng, chất liệu trang sức và bán hàng cho khách. Bán hàng có thể coi là đầu việc quan trọng nhất. Bởi người bán hàng giỏi sẽ biết cách “chiều” lòng khách, xử lý nhanh nhạy, gợi ý cho khách hàng có nhiều lựa chọn và sẽ thu được doanh số cao.

  1. Công việc hàng ngày của nghề Bán hàng trang sức
  • Hiểu và nắm rõ thông tin sản phẩm: đặc điểm nổi bật, phong cách thời trang phù hợp, giá, quy ước kích thước, biết cách áp dụng linh hoạt trong quá trình bán hàng
  • Cập nhật thông tin những mẫu trang sức mới của cửa hàng
  • Niềm nở tiếp đón, tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm trang sức
  • Liên hệ khách hàng tiềm năng
  • Bán hàng hiệu quả, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu và doanh số đặt ra
  • Hỗ trợ khách hàng về các chính sách liên quan đến bán hàng
  • Trưng bày và quản lý, theo dõi hàng hóa tại quầy được giao
  • Thể hiện hình ảnh, thương hiệu, phong cách bán hàng chuyên nghiệp
  • Phát triển và duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng
  • Xử lý khiếu nại của khách hàng chuyên nghiệp, theo quy trình và đảm bảo sự hài lòng của khách hàng
  • Linh hoạt và nắm bắt nhanh thị hiếu của khách hàng, phản hồi về Trưởng cửa hàng/ Công ty để có cải tiến phù hợp
  • Thường xuyên kiểm tra vệ sinh cửa hàng, chăm chút và giữ gìn vệ sinh sản phẩm
  • Bảo quản sản phẩm, kiểm kê theo định kỳ
  1. Định hướng phát triển và cơ hội thăng tiến của nghề Bán hàng trang sức

Nghề bán hàng trang sức đòi hỏi bạn phải là một người có kiến thức về trang sức: nắm được các mẫu mã mà cửa hàng/ công ty cung cấp; các chất liệu làm trang sức, giá cả,… Một nhân viên bán hàng giỏi còn cần phải rèn luyện tốt các kỹ năng: giao tiếp khéo léo, kỹ năng thuyết phục khách hàng tốt; có khả năng quan sát và xử lý công việc nhanh chóng, kịp thời. Ngoài ra, bạn cũng cần có thái độ làm việc: trung thực, thật thà; có trách nhiệm cao trong công việc; luôn có thái độ vui vẻ, hòa nhã; tác phong làm việc nhanh nhẹn, năng động, chuyên nghiệp; có thái độ tích cực và ham học hỏi…

Nghề bán hàng có mức lương cứng khá thấp, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động được mức thu nhập của mình. Bởi bạn sẽ ăn hoa hồng, phần trăm doanh thu từ sản phẩm mình bán ra. Do đó, càng bán được nhiều hàng, bạn càng có mức thu nhập cao.

Nếu bạn luôn chứng tỏ được mình là một nhân viên bán hàng trang sức xuất sắc, thì chắc chắn cơ hội thăng tiến của bạn luôn rộng mở. Bạn sẽ lên làm Cửa hàng trưởng, nhân viên kinh doanh trang sức, Phó/ Trưởng phòng kinh doanh, Phó Giám đốc/ Giám đốc kinh doanh…