27.2 Mô tả nghề thiết kế trang sức

  1. Tầm quan trọng của nghề Thiết kế trang sức

Trong lịch sử, cách đây hàng trăm hay hàng triệu năm, trang sức được làm từ những vật liệu như thủy tinh, đá và xương động vật. Còn ngày nay chúng ta tô điểm cho mình bằng cách sử dụng nhiều nguyên liệu khác nhau từ đá đến kim cương, nhựa đến bạch kim trong thiết kế trang sức.

Tạo ra các mẫu trang sức, làm đẹp cho mọi người, sử dụng đính kèm vào trang phục, đồ phụ trang,... là công việc của nhà thiết kế trang sức. Họ chính là người mang cái đẹp đến cho mọi người.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của nghề Thiết kế trang sức

Các đầu việc và nhiệm vụ chung của nghề thiết kế trang sức: lên ý tưởng thiết kế trang sức; tìm hiểu chất liệu phù hợp; vẽ mẫu thiết kế thông qua chương trình CAD (Computer Aided Design - thiết kế trên máy tính) - cho phép những nhà thiết kế có thể gia công những chi tiết phức tạp và tạo tác những trang sức quý giá dựa trên công nghệ in 3D.

  1. Công việc hàng ngày của nghề Thiết kế trang sức
  • Tìm hiểu xu hướng thiết kế trang sức mới nhất
  • Tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu về trang sức trong nước
  • Nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh để có những mẫu thiết kế trang sức mới, độc đáo, sáng tạo
  • Lên ý tưởng thiết kế, sáng tạo mẫu trang sức
  • Thiết kế theo yêu cầu của khách hàng
  • Triển khai chi tiết, giải thích bản vẽ
  • Kết hợp với bên sản xuất về các vấn đề liên quan tới thiết kế
  • Giám sát, kiểm tra các sản phẩm trong quá trình sản xuất
  • Thiết kế trang sức dựa trên phần mềm thiết kế 3D Rhino hoặc 3D Matrix
  1. Định hướng phát triển và cơ hội thăng tiến của nghề Thiết kế trang sức

Trang sức ngày càng trở thành một phần quan trọng điểm tô cuộc sống con người hiện đại. Một số nước trên thế giới hiện nay đã hình thành và phát triển hẳn một nền công nghệ chế tạo trang sức quy mô lớn. Song tại Việt Nam, đây vẫn là một lĩnh vực còn khá mới lạ, bởi lẽ gần như chưa có một trường đại học nào đào tạo chính thức ngành nghề thiết kế trang sức. Đây cũng là một trong những ngành nghề đang cần nhiều nhân lực, dành cho những người theo ngành thiết kế, ngành thuộc mỹ thuật công nghiệp…

Tuy nhiên, để thực sự trở thành một nhà thiết kế trang sức chuyên nghiệp, bạn không chỉ có kiến thức cơ bản về thiết kế mà còn phải tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn những kiến thức về các loại trang sức, đá quý cũng như quy trình để chế tạo trang sức. Sản phẩm trang sức của bạn thiết kế phải đảm bảo được ba yếu tố: tính thẩm mỹ, tính ứng dụng và kết cấu kỹ thuật.

Từ một nhân viên thiết kế trang sức, bạn có thể phấn đấu lên các vị trí khác như: Phó/ Trưởng phòng thiết kế trang sức,… Hoặc bạn hoàn toàn có thể tự thiết kế, tìm đối tác chế tác và kinh doanh trang sức.