Lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
Lâm nghiệp là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt. Nói đến lâm nghiệp trước hết phải nói đến vai trò của rừng trong nền kinh tế quốc dân và trong đời sống xã hội. Luật Bảo vệ và phát triển rừng có ghi “Rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, có khả năng tái tạo là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống của nhân dân với sự sống còn của dân tộc”.
Nhân sự ngành Lâm nghiệp ngoài khả năng làm việc độc lập trong quá trình nghiên cứu còn cần phải có khả năng làm việc nhóm, kết hợp việc giao tiếp tốt. Bởi sau khi nghiên cứu, họ phải làm việc cùng với các nhân viên, công nhân, người dân… để hướng dẫn cho họ về cách trồng rừng. Nếu không có khả năng giao tiếp, các cán bộ sẽ không thể truyền đạt đúng và đủ ý về công nghệ, kiến thức, kỹ thuật trồng cây gây rừng…
Kiến thức về sinh học, địa lý, hóa học sẽ đáp ứng cho bạn tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề lâm nghiệp. Bạn sẽ cần phải nghiên cứu các giống cây trồng, các mẫu đất đai, các loại sâu bệnh… và tìm hiểu nhiều kiến thức về khoa học và tự nhiên khác.
Bởi nếu không có được điểm này bạn khó có thể tham gia việc khảo sát các dự án, đến những cánh rừng xa xôi để đánh giá, triển khai các kỹ thuật trồng trọt, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình trồng trọt, chăm sóc và khai thác cây trồng cũng như đất đai.
Làm Lâm nghiệp, bạn phải biết ứng dụng công nghệ trong chọn tạo và nhân giống cây lâm nghiệp; quản lí và bảo vệ tài nguyên rừng; khai thác, vận chuyển, chế biến và bảo quản lâm sản... Ví dụ, trong công tác chọn tạo và nhân giống cây lâm nghiệp, ngành Lâm nghiệp cần hoàn thiện công nghệ nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào các loài cây trồng rừng chính có năng suất, chất lượng cao nhằm phục vụ trồng rừng kinh tế, rừng gỗ lớn. Hay, họ sẽ sử dụng công nghệ gen để phân lập các gen đích có giá trị kinh tế, có tính chống chịu, tạo ra một số dòng cây chuyển gen mang gen đích có năng suất cao, sạch bệnh..., các giống lai mới có ưu thế; tạo các cây đa bội bằng đột biến có định hướng và tạo cây lai tam bội sinh trưởng vượt trội...
Môi trường làm việc trong ngành Lâm nghiệp rất khác nhau tùy vào từng vị trí. Bạn có thể làm việc trong văn phòng, phòng thí nghiệm mát mẻ. Hoặc bạn phải đến những vùng xa xôi, hẻo lánh, nơi rừng thiêng nước độc với vô vàn khó khăn thử thách.
Các cơ quan bạn có thể xin việc làm: các cơ sở đào tạo (trường Đại học, trường cao đẳng...), các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý các cấp, doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong nước và quốc tế (GOs hay NGOs), các công ty khai thác và chế biến lâm sản; Cục kiểm lâm, các chi cục, hạt, trạm kiểm lâm; Viện nghiên cứu, trường Đại học, các trung tâm thí nghiệm hay phòng thí nghiệm của các tập đoàn, công ty sản xuất lớn, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...