37.3 Mô tả nghề Kiểm lâm

  1. Tầm quan trọng của nghề Kiểm lâm

Kiểm lâm là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, có chức năng bảo vệ rừng, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Cán bộ Kiểm lâm có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ rừng được vẹn nguyên. Nếu không có họ, lâm tặc sẽ vào khai thác rừng trái phép, bắt các động vật quý hiếm,… Như vậy, khi rừng bị phá hoại sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng trầm trọng: khí hậu thay đổi, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất,… ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của nghề Kiểm lâm

Nhiệm vụ chính của Kiểm lâm là kiểm tra, kiểm soát việc khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản, bảo vệ rừng; đôi khi là bảo vệ cả hệ động và thực vật.

  1. Công việc hàng ngày của nghề Kiểm lâm
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp tình hình, số liệu, tài liệu cần thiết có liên quan đến việc kiểm tra, thanh tra
  • Kiểm tra hiện trường (kể cả ở bến cảng, nhà ga, trên các phương tiện vận chuyển, nhà tư nhân, trong cơ quan, xí nghiệp, đơn vị) khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý rừng bảo vệ rừng, quản lý lâm sản
  • Đình chỉ những hoạt động của tổ chức, cá nhân có nguy cơ trực tiếp gây cháy rừng, tàn phá rừng, gây ô nhiễm nặng môi trường rừng
  • Kiểm soát lâm sản các phương tiện vận tải đang chuyên chở lâm sản trên đường thuỷ, đường bộ
  • Tham gia chữa cháy, diệt trừ dịch sâu bệnh hại rừng, ngăn chặn các hành vi khác tàn phá, huỷ hoại tài nguyên rừng và xử lý kịp thời các vi phạm theo thẩm quyền được giao
  • Trong trường hợp cần thiết được sử dụng vũ khí và các phương tiện chuyên dùng theo quy định của pháp luật
  1. Định hướng phát triển và cơ hội thăng tiến của nghề Kiểm lâm

Cán bộ kiểm lâm phải theo dõi, phát hiện, xử lý những vụ vi phạm khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Do đó, họ thường phải đương đầu với những tình huống nguy hiểm trong công việc, đối phó với những kẻ lâm tặc liều lĩnh. Đây là công việc mang tính rủi ro khá cao, nhiều cán bộ tuần tra, chữa cháy rừng đã gặp tai nạn bị thương, hoặc bị lâm tặc tấn công. Đến với nghề này, bạn không chỉ cần có những kiến thức chuyên môn về rừng, lâm sản mà còn cần có một trái tim thép và tinh thần thép.

Cán bộ kiểm lâm làm việc tại cục kiểm lâm, các chi cục, hạt, trạm kiểm lâm. Họ có thể phải làm việc ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, nơi rừng thiêng nước độc với vô vàn khó khăn thử thách.

Tuy nhiên, nếu nhận thức rõ được vai trò của rừng, công việc cao quý và tầm quan trọng của nghề kiểm lâm, bạn hoàn toàn sẽ vượt qua được mọi khó khăn, nguy hiểm đó.

 Bài viết thuộc chủ đề 37. Lâm nghiệp