38.1 Mô tả nghề Nuôi trồng thủy sản

  1. Tầm quan trọng của nghề Nuôi trồng thủy sản

Ngành thủy sản hiện nay chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế và tạo ra nguồn thu nhập lớn, cũng như mang đến nhiều cơ hội việc làm. Và nghề nuôi trồng thủy sản tạo ra chất lượng thủy hải sản để cung cấp phục vụ nguồn thủy hải sản trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của nghề Nuôi trồng thủy sản

Nhiệm vụ chung của nghề Nuôi trồng thủy sản là kiểm tra ao nuôi, môi trường nước, xử lý nước, kiểm tra theo dõi sức khỏe định kì của thủy sản, dự đoán bệnh và phòng trị bệnh.

  1. Công việc hàng ngày của nghề Nuôi trồng thủy sản
  • Thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng nguyên liệu đầu vào
  • Tuân thủ quy trình chăm sóc, nuôi trồng thủy sản
  • Quản lý nguồn nước: hàng ngày theo dõi chất lượng đáy ao, duy trì sự ổn định của hệ tảo và vi sinh vật, giữ độ cân bằng và ổn định các yếu tố thủy lý hóa
  • Quản lý thức ăn: Xác định số lượng thủy sản trong ao và theo dõi cường độ bắt mồi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Sự biến động của thời tiết và môi trường ảnh hưởng đến sức ăn của thủy sản
  • Vận hành ao nuôi thủy sản đảm bảo theo các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với từng loại thủy sản nuôi/ độ tuổi
  • Quản lý dịch bệnh xảy ra trên ao nuôi: xác định đúng tác nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý hữu hiệu và kịp thời
  • Chuẩn bị sẵn các loại thuốc phù hợp để phòng/ chống dịch cho thủy sản
  • Thực hiện công tác theo sự phân công của cấp trên
  1. Định hướng phát triển và cơ hội thăng tiến của nghề Nuôi trồng thủy sản

Nhân sự ngành Nuôi trồng thủy sản làm việc tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản; cơ sở sản xuất, công ty dịch vụ giống và thức ăn nuôi trồng thủy sản; công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản; cơ quan khuyến ngư và quản lý nguồn lợi thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước về nuôi trồng – chế biến thủy sản; cơ sở nghiên cứu (Viện, Trung Tâm,…) nuôi trồng và kinh tế thủy sản; cơ sở đào tạo (Trường TCCN, Cao đẳng, Đại học,…) nuôi trồng thủy sản; các cơ quan nhà nước (xã, huyện, tỉnh, bộ và các ban ngành)...

Để thành công trong nghề, bạn cần liên tục biết đổi mới phương pháp nuôi trồng của mình phù hợp với thời tiết, khí hậu, hoàn cảnh và môi trường. Sự yêu nghề là yếu tố chính quyết định thành công của bạn. Ngoài ra, bạn cần chăm chỉ, kiên trì và bền bỉ với công việc, vì quá trình nuôi trồng là một quá trình dài, đòi hỏi sự nhẫn  nại và đầu tư nhiều công sức.