58.3 Mô tả nghề Biên kịch

  1. Tầm quan trọng của Biên kịch

Một quy trình làm phim không thể thiếu kịch bản và vai trò đầu tiên của nhà biên kịch. Bởi nhà biên kịch là người đầu tiên có ý tưởng tạo dựng nên toàn bộ câu chuyện cho bộ phim, từ bối cảnh, nhân vật, cá tính và kể cả ngôn ngữ của họ.

Họ có thể tham gia trực tiếp vào quá trình làm phim, cùng lựa chọn diễn viên, đề nghị thay đổi cách diễn xuất cho phù hợp với yêu cầu của kịch bản... Có không ít trường hợp đạo diễn đồng thời là người viết kịch bản phim. Cũng có khi nhà biên kịch kiêm luôn vai trò đạo diễn.

Nhưng nhà biên kịch, trước hết, vẫn là một tác giả. Người ta thường nói biên kịch và đạo diễn đều là những nhà làm phim. Chỉ có điều đạo diễn tạo ra phim trên màn ảnh, còn biên kịch thì tạo ra phim trên trang giấy. Sản phẩm của bạn tạo ra chưa phải là những bộ phim, nhưng là thứ mà bộ phim nào cũng phải có: kịch bản

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của Biên kịch

Nhiệm vụ chung của biên kịch là sáng tạo, viết ra các câu chuyện, bộ phim trên trang giấy.

  1. Công việc hàng ngày của Biên kịch
  • Tìm hiều, nắm bắt xu hướng, tâm lý khán giả
  • Lên ý tưởng cho bộ phim
  • Viết kịch bản
  • Vẽ storyboard từ kịch bản đã viết
  • Phối hợp với ê-kip để hoàn thành sản phẩm một cách tốt nhất
  1. Định hướng phát triển và cơ hội thăng tiến của Biên kịch

Nếu xét về mức độ cạnh tranh, môi trường phim ảnh ở Việt Nam chắc chắn là nhẹ nhàng hơn so với Hollywood của Mỹ hay các quốc gia khác. Điều này có nghĩa cơ hội làm việc của bạn cao hơn và khả năng bán được kịch bản cũng nhiều hơn vì hiện tại không có quá nhiều người dấn thân vào lĩnh vực biên kịch. Nền phim ảnh ở Việt Nam vẫn còn nhiều đề tài chưa được khai phá nên bạn cũng có vô vàn cơ hội để thể hiện sự sáng tạo của mình. Sự non trẻ của lĩnh vực này ở Việt Nam chính là cơ hội béo bở để bạn vận dụng và phát triển khả năng của mình.

Ngoài vị trí biên kịch phim điện ảnh và truyền hình, bạn còn có thể áp dụng các kỹ năng chuyên môn của mình để “đá chéo sân” làm kịch bản phim online, kịch bản sân khấu, kịch bản chương trình truyền hình, kịch bản quảng cáo, kịch bản game show,… Các công việc này nhìn chung đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn để giúp bạn có điều kiện “gọt dũa” cho kịch bản để đời của mình.

Để trở thành nhà biên kịch giỏi, bạn phải có khả năng viết tuyệt vời. Biên kịch giỏi còn tạo ra nhân vật hấp dẫn, phát triển một cốt truyện thú vị, hiểu làm thế nào và khi nào để tạo ra bộ phim. Bạn phải có óc sáng tạo để thực hiện những ý tưởng một cách khác nhau; có khả năng làm việc dưới áp lực cao, có tính kỷ luật và có lửa đam mê.

 Bài viết thuộc chủ đề 58. Nghệ thuật điện ảnh