Mô tả nghề Đạo diễn

  1. Tầm quan trọng của Đạo diễn

Đạo diễn là người chịu trách nhiệm chỉ đạo quá trình thực hiện một tác phẩm nghe nhìn, thường là điện ảnh hoặc truyền hình. Khi bắt đầu với một kịch bản, người đạo diễn sẽ định hướng những hiệu quả hình ảnh và nghệ thuật cho bộ phim. Lúc khởi quay, đạo diễn sẽ dàn cảnh, chỉ đạo diễn xuất và các phương tiện kỹ thuật.

Tùy theo các điều khoản trong hợp đồng mà người đạo diễn có thể tham gia vào quá trình dựng phim hoặc không. Đây là khâu cuối cùng sau khi quay xong một bộ phim, thường được gọi là “final-cut” (hiểu nôm na là khâu cắt bỏ các cảnh không ưng ý).

Khi dự định cho ra lò một bộ phim, nhà sản xuất phim tìm đến các đạo diễn và người đạo diễn có trách nhiệm đảm bảo là tính ăn khách cho bộ phim. Người đạo diễn phải thực hiện quay đúng tiến độ và không được vượt quá ngân sách đã cho.

  1. Các đầu việc và nhiệm vụ chung của Đạo diễn điện ảnh

Các đầu việc của đạo diễn: lựa chọn kịch bản; làm việc với nhà sản xuất, quay phim, đạo cụ, phục trang; tuyển diễn viên; chỉ đạo làm phim; hướng dẫn diễn viên hiểu hơn về động cơ, tình cảm, trạng thái của nhân vật; biên tập hậu kì,...

  1. Công việc hàng ngày của Đạo diễn điện ảnh
  • Định hình khuynh hướng nghệ thuật cho bộ phim
  • Thống nhất kịch bản
  • Phân cảnh thành các lớp (dựng theo ảnh chụp và gióng khung)
  • Tổ chức và chọn địa điểm quay
  • Chỉ đạo diễn xuất (vị trí diễn viên, giọng, thể hiện cảm xúc, cử động)
  • Chịu trách nhiệm chọn vị trí đặt máy quay, khung cảnh, cú máy...
  • Chọn ánh sáng cho khung cảnh (cùng với đạo diễn hình ảnh)
  • Đảm bảo thời gian quay và cân đối ngân sách đã chi
  • Tất cả những hoạt động khác như chỉ đạo nghệ thuật, kĩ thuật cho bộ phim và nhất là quản lý ê-kíp làm phim
  • Giám sát dựng phim
  • Âm nhạc cho phim
  1. Định hướng phát triển và cơ hội thăng tiến của Đạo diễn điện ảnh

Trong suốt dự án, đạo diễn phải đối mặt với những trách nhiệm hết sức nặng nề trước các nhà sản xuất. Điều đó buộc người đạo diễn phải trở nên khéo léo, nhẫn nại và phải chịu đựng được sự căng thẳng kéo dài. Đặc biệt, người đạo diễn còn phải biết các phương pháp âm thanh và hình ảnh, dựng cảnh và điều hành. Khả năng phân tích là yêu cầu đầu tiên khi bắt tay vào làm phim để có thể lựa chọn diễn viên phù hợp, cách quay hay phân bố thời gian.

Trước khi trở thành đạo diễn, bạn có thể bắt đầu với vai trò là trợ lý đạo diễn. Sau quá trình rèn luyện kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, bạn sẽ dần dần tiến lên vai trò phó đạo diễn và đạo diễn phim điện ảnh, truyền hình tại các hãng phim, các đoàn làm phim, các đơn vị làm phim trực thuộc các bộ, ngành trong cả nước, các đài truyền hình trung ương và địa phương, các công ty truyền thông, quảng cáo.

Với nghề biên kịch hay đạo diễn phim, họ luôn mong muốn bộ phim của mình đạt giải tại các kỳ liên hoan phim trong nước (Cánh Diều, Bông Sen) hay nước ngoài. Tuy nhiên, để đạt được các giải thưởng lớn tại nước ngoài ngành nghệ thuật điện ảnh Việt Nam cần phải sự nỗ lực hơn nữa rất nhiều.

 

 Bài viết thuộc chủ đề 58. Nghệ thuật điện ảnh