Đặc điểm nhân sự ngành Nghệ thuật sân khấu điện ảnh

  1. Khái niệm ngành Nghệ thuật sân khấu - điện ảnh

Sân khấu là một hình thức hợp tác của nghệ thuật sử dụng biểu diễn trực tiếp, thường bao gồm việc các diễn viên trình bày những trải nghiệm của một sự kiện có thật hay tưởng tượng trước những đối tượng khán giả tại chỗ ở một nơi cụ thể, thường là nhà hát. Các diễn viên có thể truyền tải kinh nghiệm này đến với khán giả thông qua sự kết hợp của cử chỉ, lời nói, bài hát, âm nhạc, và khiêu vũ. Các yếu tố của nghệ thuật, chẳng hạn như khung cảnh được dàn dựng và kịch nghệ như ánh sáng được sử dụng để nâng cao tính biểu tượng, sự hiện diện và tính tức thời của trải nghiệm. Nơi trình diễn sân khấu cũng được gọi tên là sân khấu.

Điện ảnh là một khái niệm lớn bao gồm các bộ phim tạo bởi những khung hình chuyển động (phim); kỹ thuật ghi lại hình ảnh, âm thanh và ánh sáng để tạo thành một bộ phim (kỹ thuật điện ảnh); hình thức nghệ thuật liên quan đến việc tạo ra các bộ phim và cuối cùng ngành công nghiệp và thương mại liên quan đến các công đoạn làm, quảng bá và phân phối phim ảnh (công nghiệp điện ảnh).

Xét trên phương diện nghệ thuật, điện ảnh thường được gọi là nghệ thuật thứ bảy. 6 nghệ thuật trước đó theo phân loại của Hegel là kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, múa và thi ca. Điện ảnh được dùng để nói đến những bộ phim trình chiếu ở rạp, khác với những phim truyền hình. Vì lý do đó, từ “màn bạc” hay “màn ảnh lớn” cũng được dùng để chỉ điện ảnh (màn ảnh rạp chiếu phim có màu trắng), phân biệt với truyền hình, được gọi là màn ảnh nhỏ.

Trong tiếng Việt, các phim điện ảnh được gọi là “phim nhựa”, phân biệt với phim video. Nhưng thực tế, phim nhựa không phải là chất liệu duy nhất của điện ảnh. Có những phim dùng chất liệu video đã được làm lại để trình chiếu ở rạp và ngược lại, một số phim truyền hình cũng sử dụng chất liệu phim nhựa. Đặc biệt với sự phát triển của kỹ thuật số, có cả những phim điện ảnh và phim truyền hình đều dùng công nghệ này.

  1. Đặc điểm nhân sự ngành Nghệ thuật sân khấu - điện ảnh
    1. Đặc điểm nhân sự ngành Nghệ thuật sân khấu - điện ảnh
  • Giàu cảm xúc, khả năng đồng cảm

Nghệ thuật phản ánh một phần của hiện thực cuộc sống. Và đối với những ngành mang tính nghệ thuật thì cảm xúc trong con người là rất quan trọng. Bởi nếu không có sự đồng cảm với những sự vật, hiện tượng đời sống, họ sẽ không thể viết ra những tác phẩm lay động lòng người, không phản ánh được chân thực cuộc sống. Hay những diễn viên không có sự đồng cảm với vai diễn, họ sẽ không thể diễn một cách chân thực, xuất sắc để đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp,…

  • Có khả năng trình diễn, biểu diễn

Khả năng trình diễn, biểu diễn rất cần thiết trong ngành nghệ thuật. Người đạo diễn phải có khả năng biến những thước phim thành tác phẩm nghệ thuật, người quay phim phải khai thác được những góc quay đẹp. Đặc biệt, người diễn viên phải biết cách diễn chân thực để biến bộ phim, vở kịch, chèo,… như một câu chuyện đời sống đang diễn ra. Hoặc các diễn viên múa, kịch, ca sĩ phải tự tin mới có thể trình diễn trước đám đông.

  • Có kiến thức, am hiểu văn hóa

Làm phim, kịch, chèo về một vùng đất là phải hiểu cả phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt, tâm lí, luật pháp, lịch sử, tâm tính... của vùng đất và con người của vùng đất đó. Mỗi chi tiết nhỏ trong đó đều đòi hỏi người biên kịch, đạo diễn, diễn viên phải hiểu biết tường tận, để đưa các chi tiết “đắt giá”. Chẳng hạn, để làm một bộ phim, diễn viên phải thông hiểu không chỉ những vấn đề tâm lý, quan niệm mà phải biết rõ cả về luật hôn nhân gia đình áp dụng cho họ, về nếp sinh hoạt của người dân đồng bào dân tộc...

  • Tự tin, giao tiếp tốt

Nếu là một người nhút nhát, tự ti thì bạn sẽ không bao giờ theo được ngành nghệ thuật sân khấu - điện ảnh. Nhân sự ngành này thường xuyên phải làm việc giữa đám đông, được mọi người chú ý. Do đó, tự tin giao tiếp thể hiện mình cũng rất quan trọng. Nếu người diễn viên tự ti sẽ không thể diễn tốt vai diễn của mình trước mặt mọi người.

Người làm nghệ thuật sân khấu - điện ảnh là người của công chúng, họ được đông đảo mọi người nhớ mặt gọi tên khi ra đời sống bên ngoài. Vì vậy, họ cần có khả năng giao tiếp tốt, biết cách ứng xử.

  • Có khả năng làm việc nhóm tốt

Để một bộ phim thành công cần có sự phối hợp ăn ý của cả một ekip từ khâu viết kịch bản, quay phim và xử lý hậu kì. Các bộ phận luôn phải làm việc đồng hành cùng nhau để đưa ra sản phẩm chất lượng. Ví dụ, nếu sau khi quay xong, trong quá trình dựng phim, cảnh nào chưa đạt thì phải tổ chức buổi diễn lại cảnh đó,… Hay khi diễn một vở chèo, các bộ phận ánh sáng, chạy đạo cụ, các diễn viên cần biết kết hợp với nhau để tạo buổi biểu diễn hoàn hảo. Do đó, dù là diễn viên, quay phim hay đạo diễn đều phải kết hợp làm tốt nhiệm vụ của mình để tránh lãng phí thời gian.

    1. Môi trường làm việc của ngành Nghệ thuật sân khấu - điện ảnh

Môi trường làm việc của ngành Nghệ thuật sân khấu - điện ảnh khá linh động. Bạn có thể làm việc trong văn phòng khi cần dựng phim, biên tập phim,… Họ cũng phải thường xuyên làm việc và di chuyển ở ngoài trời với những địa điểm khác nhau. Hoặc họ làm việc tại các nhà hát: chèo, kịch,…

  1. Các vị trí công việc, nghề nghiệp thường gặp trong ngành Nghệ thuật sân khấu - điện ảnh
  • Biên kịch
  • Diễn viên phim
  • Diễn viên múa
  • Diễn viên kịch
  • Ca sĩ
  • Đạo diễn
  • Dựng phim
  • Quay phim
  • Nhân viên kỹ thuật truyền dẫn phát sóng
  • Nhà sản xuất phim

 Bài viết thuộc chủ đề 58. Nghệ thuật điện ảnh