LÃNH ĐẠO CẦN BIẾT TẠO ĐỘNG LỰC CHO NHÂN VIÊN

LÃNH ĐẠO CẦN BIẾT TẠO ĐỘNG LỰC CHO NHÂN VIÊN

Tạo các cảm giác tích cực cho nhân viên là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ mà nhiều lãnh đạo quản lý cần lưu tâm nhưng không phải lãnh đạo nào cũng làm được vì việc nắm bắt tâm lý nhân viên không hề dễ dàng.

Những câu nói tạo động lực sống cho giới trẻ từ các tỉ phú trên ...

1. Nhân viên không có động lực để làm việc hết mình

Có những khi quản lý thấy nhân viên cấp dưới không làm việc hết mình mà chỉ làm đúng phần việc được giao. Vì thế, chỉ số đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên (KPI cá nhân) cần gắn với nhiệm vụ và quyền lợi của phòng ban và tổ chức. Chẳng hạn, 80% thu nhập của nhân viên sẽ phụ thuộc vào mức độ hoàn thành KPI của riêng cá nhân đó, 20% còn lại phụ thuộc vào kết quả của cả phòng. Như vậy, khi nhân viên làm hết việc của mình thì sẽ phải tiếp tục nỗ lực giúp cả phòng đạt KPI công ty đề ra để có thể nhận được 20% thu nhập còn lại.

Đáng chú ý, hoạt động đánh giá KPI cần được thực hiện chính xác và định kỳ. Ngoài ra, cần có chương trình tưởng thưởng với những cá nhân vượt mục tiêu hay các cá nhân được đánh giá xuất sắc. Trong mỗi tổ chức cần có lộ trình về mặt nhân sự, có hoạt động để nhân viên nhìn ra mình đang ở đâu, nếu làm tốt thì sẽ được thăng tiến hoặc có các quyền lợi về mặt thu nhập.

2. Giữ nhiệt cho nhân viên khi khả năng tài chính có hạn

Các công ty còn hạn hẹp về năng lực tài chính như các công ty mới thành lập, các công ty đang gặp khó về thị trường… thì ít nhất phải có được hệ thống đánh giá KPI rõ ràng và công bằng.

Ngoài ra, cần ghi nhận sự đóng góp của nhân sự, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn. Sự ghi nhận, tưởng thưởng có thể không phải bằng các hiện vật, món quà có giá trị, đôi khi chỉ là một lời khen, một tấm thiệp có chữ ký của tổng giám đốc. Hay có thể tổ chức giao lưu ăn uống giữa quản lý và nhân viên, nếu có điều kiện thì tổ chức ở nhà hàng sang chảnh, còn nếu không thì chỉ là một quán cơm gần công ty.

Điều này giúp nhân viên cảm nhận được sự gần gũi, quan tâm của người lãnh đạo, để họ nhận ra rằng sếp biết để ý và ghi nhận những vất vả và nỗ lực của nhân viên để đạt được kết quả tốt dù thị trường khó khăn và cơ sở vật chất, nguồn lực của công ty còn hạn chế.

Đối với nhiều người, tiền bạc chỉ là một phần. Yếu tố quan trọng không kém có thể mang lại động lực cho họ là được lãnh đạo quan tâm và ghi nhận, có cơ hội học hỏi và lộ trình phát triển lâu dài.

3. Nhân viên không chịu học hỏi dù được tạo điều kiện

Các yếu tố như tầm nhìn, giá trị cốt lõi, sứ mệnh, mục tiêu và chiến lược của công ty sẽ định hình nên KPI của công ty, phòng ban và của các cá nhân; và hình thành cơ cấu tổ chức, từ đó hoạch định nguồn lực.

Từ KPI, phòng nhân sự sẽ có phân tích và đánh giá công việc để hình thành nên các tiêu chuẩn về năng lực cho từng vị trí từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất. Đồng thời, cấu trúc vị trí có các chương trình quản lý tưởng thưởng cũng như quản lý về mặt hiệu suất; sau đó có các hoạt động đào tạo và phát triển, các chương trình quản lý tài năng, lộ trình công danh…

Doanh nghiệp cần xem lại mình đã có tiêu chuẩn đánh giá nhân sự về mặt năng lực chuyên môn và hiệu suất hay chưa. Khi công ty thực hiện đánh giá, nhân viên sẽ nhận ra khoảng trống về năng lực cần nhanh chóng được lấp đầy để đáp ứng được yêu cầu cho vị trí hiện tại.

Khi có cấu trúc vị trí rõ ràng, nhân viên sẽ thấy mình đang ở vị trí nào, muốn đạt được vị trí nào trong 2-5 năm tới và để đạt được mục tiêu đó họ cần đáp ứng những yêu cầu gì. Đó là cách để nhân sự cảm nhận được sự cần thiết của việc học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng.

4. Quản lý cấp trung không chia sẻ với cấp dưới

Tình huống quản lý cấp trung ích kỷ, không chia sẻ kỹ năng với nhân viên cấp dưới có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, đặc biệt là trong các tổ chức có mức độ cạnh tranh khốc liệt. Muốn quản lý cấp trung chia sẻ kỹ năng với nhân viên cấp dưới thì trước hết lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp phải làm gương trong việc chia sẻ kiến thức, kỹ năng và các mối quan hệ với nhân sự cấp dưới.

Một yêu cầu được đặt ra là nếu quản lý muốn lên vị trí cao hơn thì phải đào tạo được 1-2 người kế cận, phải có đội hình dự bị. Ngoài ra, môi trường làm việc của công ty cần có văn hoá sáng tạo, học hỏi để mọi người cởi mở hơn trong việc chia sẻ.

5. Giúp nhân viên tự tạo động lực và duy trì động lực

Mỗi nhân sự cần có mục tiêu trong sự nghiệp và cuộc sống, đồng thời định hình lộ trình và chiến lược để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, không phải nhân sự nào cũng có được mục tiêu ngay từ đầu. Lãnh đạo, quản lý trực tiếp cần làm bạn với nhân viên, là cộng sự của họ để giúp họ xác định mục tiêu và thường xuyên nhắc nhở họ về mục tiêu đó để họ giữ được nhiệt huyết, nhớ được lý do phấn đấu và phát triển.

 Bài viết thuộc chủ đề KINH NGHIỆM KHỞI NGHIỆP