Một số vấn đề cơ bản về kế toán, thuế liên quan đến doanh nghiệp

Một số vấn đề cơ bản về kế toán, thuế liên quan đến doanh nghiệp

Vốn điều lệ là gì?

1. Góp vốn ảo rủi do thật:

Chắc mọi người còn nhớ cách đây một vài tháng có xảy ra vụ một doanh nghiệp ở Hoài Đức đăng kí vốn điều lệ lên tới 144.000 tỷ đồng, chuyện thật tưởng như đùa nhưng vẫn xảy ra ở Việt Nam. Không biết động cơ, nguyên nhân phía sau việc ấy là gì nhưng thực tế là có nhiều doanh nghiệp đang đăng kí vốn điều lệ ảo, mục đích có thể để đối tác ngộ nhận về về năng lực tài chính của đơn vị, để đảm bảo điều kiện khi tham dự đấu thầu dự án, hay để phô trương thanh thế lùa gà vào bẩy bán vốn ảo thu tiền thật, cũng không loại trừ đăng kí cao chỉ để cho oai … Mong mọi người cân nhắc kĩ điều này vì những hệ lụy sau:

+ Trách nhiệm pháp lý phải chịu sẽ tương ứng với giá trị vốn cam kết góp

+ Khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng kí trong thời hạn cho phép hoặc cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế có thể bị Sở KHĐT phạt từ 10-30tr ( NĐ50 ).

+ Tranh chấp có thể phát sinh liên quan đến quyền biểu quyết,tỷ lệ ăn chia.

+ Rủi do về chi phí lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ góp còn thiếu không được tính vào chi phí được trừ theo qui định của luật thuế.

2. Âm quĩ tiền mặt, hàng tồn kho trên sổ sách không khớp với thực tế

Tình trạng hơi oái ăm âm quĩ tiền mặt xảy ra do kế toán bỏ sót hoặc không phản ánh đúng nghiệp vụ thu chi cả về trình tự và số tiền hay do vi phạm nguyên tắc bất kiêm nhiệm còn tình trạng tồn kho trên sổ sách không khớp với thực tế thì do hai nguyên nhân chính là bán hàng không xuất hóa đơn & sử dụng hóa đơn không đúng hoạt động kinh doanh ( lấy nhiều hóa đơn để tránh VAT ). Cả hai trường hợp này đều phải phát hiện & xử lý kịp thời để tránh những rủi ro liên quan.

3. Chuyển tiền từ tài khoản Công ty sang tài khoản cá nhân:

Công ty đôi khi vì tiện nên chuyển khoản thẳng tiền từ tài khoản Công ty sang tài khoản cá nhân ( trong và ngoài Doanh nghiệp ). Các trường hợp này này nếu không chứng minh được lý do hợp lý như: chi tạm ứng cho cán bộ công nhân viên làm nhiệm vụ cho DN, chi cho mượn, chi đặt cọc hoặc chi trả tiền cho cá nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ thì có thể bị coi là khoản Công ty cho cá nhân vay và sẽ phải tính phần lãi vay nhận được vào thu nhập chịu thuế của Doanh nghiệp.

4. Chuyển tiền từ tài khoản Cá nhân sang tài khoản Công ty:

Công ty đang thiếu tiền bỗng đâu nhận được một món từ tài khoản cá nhân chuyển tới khoan hãy mừng nếu như không chứng minh được bằng các lý do như: cá nhân hoàn ứng lại do trước đó đã được nhận tạm ứng, cá nhân trả lại tiền do trước đó đã mượn, hay cá nhân trả tiền hàng hóa dịch vụ mà Công ty cung cấp, hay tiền nhận đặt cọc nay trả lại công ty do không thực hiện được, hay cá nhân góp thêm để tăng vốn điều lệ, cá nhân góp tiền theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.. thì cũng không loại trừ có thể bị coi là khoản cá nhân cho Công ty vay và do vậy phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối phần phần thu nhập từ lãi vay mà cá nhân nhận được. ( các cá nhân này thường là người có liên quan đến Công ty nên trách nhiệm của cá nhân nhưng có liên quan đến Công ty, hơn nữa Công ty chi trả thu nhập phải có cả trách nhiệm khấu trừ tại nguồn khi chi trả ).

5. Nhầm lẫn giữa Tiền thu & Doanh thu

Có những khoản như tiền thu tạm ứng mặc dù Công ty đã nhận được tiền nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận Doanh thu vì chưa thực hiện việc gì cả, mặt khác cũng có những khoản lợi ích kinh tế đã được ghi nhận vào Doanh thu vì đơn vị đã hoàn thành việc chuyển giao, cung cấp hàng hóa, dịch vụ ( theo VAS14 ) tuy nhiên công ty vẫn chưa thu được tiền mà còn treo công nợ.

6. Nhầm lẫn giữa Tiền chi & Chi phí

Có những khoản tiền chi ra đã thành chi phí ngay tại kì phát sinh như chi tiền điện, tiền nước, tiền internet… hàng tháng phục vụ cho bán hàng, quản lý; nhưng cũng có những khoản dù đã chi ra như mua hàng hóa hay công cụ dụng cụ, tài sản cố định nhưng có thể chưa chuyển thành chi phí của kì phát sinh mà chỉ đến khi được xuất bán hay xuất dùng mới được tính toàn bộ hay phân bổ sao cho phù hợp với thực tế.

VD:

+ Tiền chi mua hàng hóa 100 tr nhập kho đến khi xuất bán mới được tính vào chi phí giá vốn

+ Tiền chi mua tài sản cố định 360tr về sử dụng ngay, thời gian khấu hao 6 năm thì mỗi tháng chi phí khấu hao được tính sẽ chỉ là: 360/6/12=5 tr ( khấu hao đều trong vòng 6*12=72 tháng )

7. Công ty có lãi mà không có tiền và ngược lại

Lãi lỗ của Công ty được thể hiện trên Báo cáo kết quả kinh doanh còn tình hình thâm hụt hay thặng dư tiền được thể hiện trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ ( dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính ). Công ty có thể bán được nhiều hàng, Doanh thu cao nên sau khi cộng với thu nhập khác và trừ đi tất cả chi phí thì có lãi nhưng vì bán chịu nhiều nên số tiền thu được thực tế lại ít trong khi đó vẫn phải chi trả các khoản chi phí theo đúng kì nên tại thời điểm nào đó mà nếu lũy kế dòng tiền vào < lũy kế dòng tiền ra thì hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái thiếu tiền cần phải bù đắp ngay. Trên góc độ doanh nghiệp thì tiền chính là máu nên mọi người cần phải hiểu thật rõ vấn đề này để có cách thức kiểm soát và phương án xử lý kịp thời.

8. Nhầm lẫn giữa tài sản của Doanh nghiệp & tài sản Cá nhân

Trừ trường hợp doanh nghiệp tư nhân không có sự tách bạch tài sản của cá nhân người chủ & Doanh nghiệp, các trường hợp khác theo Luật Doanh nghiệp đều phải phân biệt rõ ràng tài sản nào đứng tên cá nhân & tài sản nào đứng tên Doanh nghiệp vì vậy cần có đẩy đủ thủ tục, giấy tờ liên quan đến xác lập & chuyển quyền sở hữu để chứng minh khi cần.

9. Nhầm lẫn giữa các khoản chi tiêu cho cá nhân & chi tiêu phục vụ SXKD Doanh nghiệp

Theo qui định của thuế thì chỉ những khoản thực chi & chứng minh được phục vụ cho SXKD của doanh nghiệp, có đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp, có chứng từ thanh toán phù hợp thì mới được tính vào chi phí được trừ, được khấu trừ thuế GTGT. Cho nên xin các bác đừng cố tình đưa vào các hóa đơn chỉ liên quan đến cá nhân, hoàn toàn không hợp lý hay nhạy cảm như đi xem film, uống café, massage, karaoke,… vào làm gì cho mất công sẽ không được tính vào chi phí Doanh nghiệp mà có khi còn bị phạt !!

10. Các sai sót về thuế dù to dù nhỏ hầu hết đều phải trả giá bằng tiền

Điểm qua một số lỗi đơn giản mà DN vẫn hay bị mất tiền thật là phiền:

+ Chậm nộp tờ khai 1 -5 ngày phạt 700K ( nếu nếu may mắn thì xin được chỉ cảnh cáo )

+ Xuất hóa đơn sai thời điểm phạt 4-8 tr ( 6 tr nếu không có tình tiết tăng nặng giảm nhẹ )

+ Hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn mức phạt có thể lên tới 20-50tr

Ngoài ra còn rất nhiều lỗi khác mà DN nếu mắc phải, nhẹ thì mất tiền ( truy thu, phạt hành chính, phạt nộp chậm 0.03%/ngày, phạt 20% trên số thuế kê khai thiếu, phạt từ 1-3 lần số thuế trốn) còn nếu nghiêm trọng thì thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nói chung chơi với thuế thì không vui vẻ gì trừ phi các bác được nhận tiền hoàn thuế,hee !!

11. Mua bán không theo giá thị trường

Nếu mua bán không theo giá thị trường mà không có đủ cở sở để chứng minh giá mua bán là hợp lý thì có thể dẫn đến rủi ro bị truy phạt thuế

VD: Xe LEXUS mua tiền vài tỷ đi mới một vài năm ( khung khấu hao theo qui định từ 6-10 năm ) thậm chí còn chưa hết khấu hao vẫn sử dụng được mà giờ bán thanh lý với giá có 100tr ( ko có bất cứ chứng cứ nào để chứng minh về việc xe bị va đụng, hỏng hóc dẫn đến suy giảm bất thường về giá trị gì cả ) thì rõ ràng là không hợp lý.

1 Vốn điều lệ nào phù hợp cho các loại hình doanh nghiệp

 Bài viết thuộc chủ đề KINH NGHIỆM KHỞI NGHIỆP