Arianna Huffington, có tên thời con gái là Arianna Stassinopoulos, sinh năm 1950 tại Athens tại Hy Lạp. Trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ II, khi Đức chiếm Hy Lạp, bố của bà đã xuất bản một tờ báo bí mật. Ông bị bắt và đưa đến trại tập trung cho đến khi chiến tranh kết thúc. Sau đó, ông trở về Hy Lạp và gặp mẹ của bà.
Khi còn bé, Arianna Huffington đã mơ ước sẽ được học tại trường Đại học Cambridge, và bà đã biến ước mơ đó thành sự thật. Mẹ là người có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với Arianna Huffington. Bà kể rằng một ngày bà nhìn trong một cuốn tạp chí bức ảnh trường Đại học Cambridge, và nói “con muốn đến đó học”. Tất cả mọi người đều cười. Nhưng mẹ bà nói: “Được, hãy xem con có thể đến đó bằng cách nào”. Rồi bà vay mượn tiền và đưa con gái đến Anh sinh sống. Và năm 16 tuổi, bà chuyển đến Anh sinh sống. Tuy vậy, mẹ của Arianna Huffington cũng nói rõ ràng rằng nếu bà thất bại – tức là không thi đỗ vào trường Cambridge – thì cũng không vấn đề gì.
Bà thi đỗ vào trường và trở thành chủ tịch của Công đoàn Cambridge. Bà chính là sinh viên nước ngoài đầu tiên giữ chức vụ này. Arianna Huffington cũng thường xuyên tham gia vào các cuộc tranh luận, phát biểu những bài diễn văn mở, kích thích mọi người tranh luận về tất cả các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị.
Năm 1972, bà tốt nghiệp bằng tiến sỹ kinh tế.
2.1 Sự nghiệp
Từ thất bại đã nhận ra sức mạnh của truyền thông
Trong những năm đầu sự nghiệp, bà mong mỏi trở thành một tác giả nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp, cuốn sách đầu tiên của bà – The Female Woman – xuất bản năm 1973, khi bà 23 tuổi, là cuốn sách bán chạy nhất lúc đó. Bà còn viết thêm khoảng hơn 12 cuốn sách về các chủ đề quan điểm chính trị.
Năm 2003, bà ra ứng cử vị trí Thống đốc bang California nhưng đã thua cuộc trước “người hùng cơ bắp” Arnold Schwarzenegger. Tuy nhiên, bà cho biết “từ đó tôi đã học được sức mạnh của Internet. Hầu hết số tiền chúng tôi dùng cho cuộc tranh cử, khoảng 1 triệu USD, đều được quyên góp từ Internet”.
Arianna Huffington bắt đầu sự nghiệp truyền thông là một nhà bình luận bảo thủ nổi tiếng, nhưng sau đó bà đã trở nên rộng rãi, hào phóng và đi theo phong trào tự do vào cuối những năm 1990. Kể từ đó, bà trở thành tên tuổi yêu thích của ngành truyền thông mới nhờ khả năng kết nối các độc giả của bà qua Internet.
Sau cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ năm 2004, bà đã gặp gỡ và thảo luận về vai trò của truyền thông trong bầu cử, trong đó có Ken Lerer, người sau đó đã cùng bà sáng lập nên trang Huffington Post.
Bà từng viết: “Tôi đã thất bại nhiều lần trong đời. Một thất bại mà tôi luôn nhớ là khi cuốn sách thứ hai của tôi bị 36 nhà xuất bản từ chối. Nhiều năm sau đó, Huffington Post ra đời cũng nhận vô số bài phê bình, thậm chí có những bài đánh giá rất tiêu cực. Nếu tôi không kiên cường và mạnh mẽ, Huffington Post sao có thể trở thành trang web phổ biến thứ 154 trên thế giới, đạt 26 triệu lượt truy cập mỗi tháng”.
Sáng lập tờ báo lớn thứ hai nước Mỹ
Năm 2005, Huffington Post chính thức ra đời với số vốn ban đầu là 4 triệu USD. Tác giả Schlesinger Jr (một nhà lịch sử và phê bình xã hội Mỹ, từng là cố vấn của Tổng thống Kennedy và Johnson) là người đầu tiên Arianna mời viết blog. Ông đã fax các bài viết của ông cho Arianna. Trong tuần đầu tiên, họ đã có bài viết của những blogger nổi tiếng như Julia Louis - Dreyfus (nữ diễn viên và là nhà hài kịch nổi tiếng của Mỹ), Larry David (nhà sản xuất, hài kịch, nhà văn và là nam diễn viên của Mỹ), Gary Hart (chính trị gia), John Cusack (nhà viết kịch), và Walter Cronkite (nhà báo nổi tiếng của hãng CBS Evening News).
Arianna cho biết bà kế thừa sở trường tạo lập quan hệ từ người mẹ. Mẹ Arianna hầu như không hề có mối quan hệ với bất kỳ ai mà không khiến người đó cảm thấy gần gũi, thân thiện. Chẳng hạn, một người đưa thư, giao hàng đến nhà, bà sẽ mời người đó ngồi và “ăn một chút gì nhé”. Kết quả là, Arianna nhận thấy rất dễ dàng kết nối với mọi người. Đó cũng chính là một phần quan trọng tạo nên sự thành công của Huffington Post.
Tính đến cuối năm 2010, Huffington Post có khoảng hơn 6.000 blogger, 97 biên tập viên và 203 nhân viên chuyên trách báo chí, đồng thời tờ báo cũng mở rộng từ lĩnh vực chính trị sang nhiều chuyên mục khác như kinh doanh, giải trí, thể thao, ẩm thực, công nghệ… Theo thống kê của hãng comScore, vừa qua The Huffington Post đã chính thức trở thành báo điện tử lớn thứ 2 của nước Mỹ. Giờ đây, Huffington Post chỉ chịu đứng sau tờ báo lớn nhất nước Mỹ, New York Times và đẩy tờ Tribune xuống vị trí thứ 3.
Đầu năm 2011, AOL đã mua lại Huffington Post với giá hơn 300 triệu USD. Arianna Huffington trở thành chủ tịch và tổng biên tập tập đoàn Huffington Post Media Group, bao gồm cả các blog công nghệ TechCrunch và Engadget, cũng như các trang âm nhạc và tin tức địa phương MapQuest và Moviefone.
2.2 Thành tích
Năm 2006, Arianna Huffington lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time. Năm 2009, bà đứng thứ 28 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes.
Năm 2005, bà thành lập báo điện tử Huffington Post cùng với Kenneth Lerer với số vốn chỉ 4 triệu USD. Sáu năm sau, năm 2011, tập đoàn AOL đã mua lại Huffington Post, tờ báo điện tử lớn thứ 2 của nước Mỹ với giá trên 300 triệu USD.