Nhà bác học Marie Curie

  1. Thời thơ ấu và nền giáo dục của nhà bác học Marie Curie

Tên khai sinh của bà Marie Curie là Maria Salomea Skłodowska (7 tháng 11 năm 1867 – 4 tháng 7 năm 1934), sinh tại Warsaw, Ba Lan trong thời kì Nga chiếm đóng Ba Lan, là con út trong số 5 người con của hai giáo viên nổi tiếng Bronisława và Władysław Skłodowski.

Marie biết đọc lúc chỉ có 4 tuổi, lúc nào cũng đứng đầu lớp và có rất nhiều thành tích xuất sắc và học giỏi nhiều môn. Nhưng Marie chẳng thấy vui vì, thời đó, người Ba Lan bị cấm đọc, viết tiếng Ba Lan và phải tuân thủ theo các luật lệ của Nga, Tuy nhiên, gia đình vẫn nói tiếng Ba Lan và hát những bài ca dân gian nhằm mong muốn bản sắc dân tộc không bị mai một đi. Hơn nữa, bố của Marie bị đuổi việc, gia đình phải chuyển đến một khu tập thể. Chị cả của Marie, Sophie, qua đời vì bệnh thương hàn. Sau đó, mẹ của Marie cũng qua đời vì bệnh phổi, năm Marie 11 tuổi.

Tại nơi Marie sinh sống và tất cả các quốc gia trong khu vực Châu Âu không phải nữ giới nào cũng có thể đi học. Vì thế, Marie đã cố gắng rất nhiều trong việc làm thêm ròng rã trong 6 năm thời niên thiếu của mình. Khi tích lũy đủ số tiền, nơi bà đến là một Paris đầy những hứa hẹn về khoa học, về những điều phi thường và nữ giới được chấp thuận học tập và làm việc tại vùng đất này.

Marie cố gắng học thật tốt, nhiều lúc, Marie còn quên cả ăn, cả ngủ. Ít lâu sau, Marie đỗ thủ khoa, nhưng do không có tiền, Marie phải đi làm gia sư để có tiền đi học. Khi làm gia sư cô đã từng có người yêu, nhưng do hoàn cảnh nên tình yêu đã không đến với cô. Cô đã bỏ lại tất cả để chị gái thứ ba, Bronisława Skłodowska, được vào Đại học Y ở Paris.

Marie tiếp tục đi kiếm tiền và cuối cùng cũng đến Paris như mong ước của mình. Ở đó, cô học rất nhiều môn ở trường Sorbonne, và cô cũng mượn rất nhiều sách từ thư viện để học thâu đêm. Do học nhiều, Marie bị suy nhược thần kinh một năm. Thời đó, phụ nữ luôn bị coi thường cho nên Marie cố gắng học nhiều. Và thành công đã đến với cô: Marie đỗ đầu trường Sorbonne và trở thành cử nhân. Sau đó, Marie về quê một năm để thăm cha. Rồi Marie lại đi học ở trường.

  1. Sự nghiệp của nhà bác học Marie Curie

Vinh quang khoa học

Khi được đọc công trình nghiên cứu của nhà vật lý Henri Becquerel và sau khi đã hỏi ý kiến chồng, Marie Curie quyết tâm dấn thân vào lĩnh vực vật lý. Thời bấy giờ, người ta chỉ thấy được những chất lạ có đặc tính phát ra tia bức xạ song chưa ai biết có bao nhiêu chất như vậy và các chất này cùng các tia của chúng khác nhau như thế nào. Các nhà khoa học đặt tên các chất này là “chất phóng xạ”. Sau khi Roentgen tìm ra tia X, nhà bác học Henri Becquerel đã nghĩ ngay rằng, tia phóng xạ có cùng nguồn gốc với tia X. Những nghiên cứu của Becquerel mới chỉ là bước đầu. Những hiểu biết đầy đủ hơn về các định luật phóng xạ phải đợi đến những nghiên cứu của Pierre và Marie Curie.

Sau đó không lâu, bà Marie Curie đã nhận thấy rằng không phải cả cục Urane có tính phóng xạ mà cục đá đó chỉ chứa một phần rất nhỏ chất phóng xạ mà thôi. Công lao của vợ chồng Curie chính là làm cho giới khoa học biết rằng có rất nhiều chất phóng xạ khác nhau, dù rằng nhiều chất chỉ là biến thể của nhau và có những chất không phóng xạ như chì, vàng… cũng là biến thể của các chất phóng xạ. Phát hiện này rất quan trọng vì nhờ đó mà người ta tìm ra được cách phá nhân của nguyên tử và chế tạo ra bom nguyên tử sau này.

Khởi đầu, bà Curie tìm ra hai chất phóng xạ khác nhau, chất đầu tiên vào mùa hè năm 1891 và được bà đặt tên là "Polonium" để tưởng nhớ nước Ba Lan thân yêu của bà, chất thứ hai là "Radium", khám phá ra vài tháng sau đó. Nhưng các công trình của ông bà Curie chưa được giới khoa học chấp nhận ngay. Điều quan trọng là Pierre và Marie Curie phải tìm ra Radium nguyên chất.

Pechblend là một chất dùng trong kỹ nghệ làm thủy tinh. Chất này rất đắt tiền mà lượng Radium ở trong lại không nhiều. Trong 4 năm trời, sau khi gạn lọc 8 tấn pechblend, vợ chồng Curie đã tìm ra được 1 gam Radium nguyên chất. Đây là gam Radium đầu tiên của thế giới. Từ đây, chất Radium đã chính thức được ông bà Curie "khai sinh", phân tử khối của nó là 225.

Năm 1902, kết quả của công trình khám phá ra chất Radium được công bố. Pierre được trao huy chương danh dự nhưng ông đã từ chối vì ông chỉ cần một phòng thí nghiệm chứ không cần tới một huy chương đeo ngực. Trong suốt cuộc đời, Pierre Curie có ước mơ sẽ lập ra được một cơ sở nghiên cứu mà tất cả những ai muốn khám phá về chất phóng xạ đều được tự do sử dụng.

Sau khi chất Radium được khám phá, danh tiếng ông bà Curie đã vượt ra khỏi nước Pháp, rất nhiều đại học, các trung tâm nghiên cứu khắp thế giới đều gửi thư đến hỏi họ về chất Radium. Các nhà vật lý đua nhau tìm hiểu về tính phóng xạ như Boltzmann, Crookes, Paulsen, Ramsay… và họ đã tìm thêm được nhiều chất mới như Mesothorium, Ionium, Protactinium, chì phóng xạ, khí Helium phóng xạ…

Năm 1903, bà Curie được Đại học Sorbonne trao bằng Tiến sĩ Khoa học và Hội Khoa học Hoàng gia Anh gửi thư mời hai vợ chồng sang diễn thuyết. Sau đó không lâu, Thụy Điển đã biểu quyết trao Giải Nobel về Vật Lý, một nửa dành cho nhà vật lý Henri Becquerel, một nửa tặng ông bà Curie vì công trình khám phá ra chất phóng xạ. Khi nhận được Giải thưởng Nobel, hai vợ chồng Curie gặp phải nhiều xáo trộn. Ông bà Curie vốn ưa thích sự yên tĩnh, nên đã không khỏi khó chịu khi các người hiếu kì muốn coi họ như những minh tinh màn bạc. Bà Curie đã phải nói: “Về khoa học, chúng ta chỉ nên để ý đến sự vật mà đừng nghĩ tới nhân vật”.

Năm 1904, Pierre Curie được Đại học Sorbonne bổ nhiện làm Giáo sư Vật lý. Trước khi nhận lời, ông đưa ra yêu cầu xây dựng một phòng thí nghiệm. Lần này, Bộ Giáo dục Pháp bằng lòng xây dựng một trung tâm nghiên cứu. Cũng vào năm 1904, vợ chồng Curie sinh thêm cô con gái thứ hai Eve Curie. Năm 1905, ông Pierre Curie được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Nhưng vinh quang không đến với nhà bác học được lâu. Ngày 19/4/1904, sau khi rời Nhà xuất bản Gauthier-Villars để về nhà, trong lúc băng qua đường, Pierre Curie đã bị xe ngựa cán phải và tử vong. Để ghi nhớ nhà bác học Pierre Curie, ngày 13/5/1906, Trường Đại Học Sorbonne đặc cách mời bà Curie thay chồng trong chức vụ Giáo sư và trở thành nữ giáo sư đầu tiên của Đại học Sorbonne.

Năm 1908, bà cho xuất bản cuốn sách nhan đề “Các công trình của Pierre Curie”. Năm 1910, tác phẩm “Nghiên cứu về tính phóng xạ” của bà là công trình chứa đựng những kiến thức khoa học mới mẻ nhất của thời kì đó về ngành học phóng xạ.

Giải Nobel lần thứ hai

Danh tiếng của bà Marie Curie vang lừng và rất nhiều trường đại học trên thế giới trao tặng bà bằng Tiến sĩ Danh dự. Tháng 12/1911, bà Marie Curie được trao tặng giải thưởng Nobel về Hóa học vì công trình tìm ra chất Radium và là người phụ nữ duy nhất hai lần nhận giải Nobel.

Từ năm 1911, các nhà trí thức Ba Lan có ý định thiết lập ở Varsovie một cơ sở nghiên cứu về chất phóng xạ và họ định mời bà Marie Curie về nước điều hành trung tâm nghiên cứu này. Tháng 5/1912, một phái đoàn các giáo sư Ba Lan sang Pháp tìm gặp bà Marie Curie. Cuối cùng, Marie Curie đã gửi thư từ chối. Năm 1913, Marie Curie sang Ba Lan dự lễ khánh thành cơ sở nghiên cứu chất phóng xạ. Bà đã diễn thuyết về khoa học bằng tiếng mẹ đẻ trước thính giả đông đảo. Tháng 7/1914, Viện Radium Paris được xây dựng xong. Đây là “lâu đài của tương lai”, nơi mà trước kia ông Pierre Curie đã hằng mong ước được sống tại đó để nghiên cứu, tìm tòi, và giờ đây, bà Marie tiếp tục sở nguyện của chồng.

Năm 1918, Thế chiến chấm dứt, mang lại hòa bình trên đất Pháp và nền độc lập cho xứ Ba Lan. Trong nhiều năm, Marie Curie đã mang hết năng lực và tiền bạc đóng góp vào công cuộc chống ngoại xâm. Bà đã tặng Chính Phủ Pháp số tiền thưởng Nobel. Chiến tranh đã làm cho công cuộc nghiên cứu của bà bị gián đoạn và sức khỏe của bà bị suy giảm.

Vào tháng 5/1920, Marie Curie tiếp nữ phóng viên William Brown Meloney. Trong câu chuyện, bà cho biết đang cần có một gam Radium để tiếp tục công cuộc nghiên cứu mà thứ kim chất đó lại quá đắt tiền. Vừa cảm động, vừa kính phục, Meloney khi trở về Hoa Kỳ liền mở một cuộc vận động các phụ nữ Mỹ quyên góp để mua Radium tặng nhà nữ bác học. Meloney lại khẩn khoản mời Marie Curie sang Mỹ, song bà Curie rất e ngại đám đông, e ngại sự quảng cáo thanh danh, nhưng cuối cùng, bà đành phải nhận lời. Đầu tháng 5/1921, bà Marie Curie cùng hai cô con gái xuống tàu Olympic sang Mỹ.

Ngay sau đó, Tổng Thống Mỹ Warren G. Harding đã trân trọng biếu bà Marie Curie một gam chất Radium. Tại Philadelphia, bà Curie được trao tặng các bằng cấp danh dự, 50 gam chất Mesothorium và Huy Chương John Scott của Hội Triết học Mỹ. Ngoài ra, bà Curie còn là Tiến sĩ Danh dự của các Đại học Pittsburg và Đại học Columbia.

Do sự phát minh ra cách trị liệu bằng chất phóng xạ, đầu năm 1922, Hàn lâm viện Y học Paris đã bầu bà Curie làm hội viên và bà cũng trở thành nhà nữ bác học đầu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

Nguyện vọng của Marie Curie là được thấy một Viện Radium thành lập tại Varsovie. Dự án xây dựng hình thành vào năm 1925 và bà Curie đã sang Ba Lan để đặt viên đá đầu tiên cho Viện. Khi xây dựng xong, Viện Radium Varsovie lại thiếu Radium để nghiên cứu. Ngày 29/5/1932, Viện Radium Ba Lan được khánh thành đúng theo ý nguyện của nhà nữ bác học lừng danh.

  1. Những câu nói truyền cảm hứng của nhà bác học Marie Curie
  • Cuộc sống không dễ dàng với bất cứ ai. Chúng ta phải có lòng kiên trì và hơn hết là sự tự tin vào chính mình. Chúng ta phải tin rằng mình có năng khiếu về một điều gì đó và cần phải đạt được nó.
  • Tôi tin rằng không có mối liên hệ nào giữa công việc khoa học của tôi và sự thật về cuộc sống riêng tư của tôi.
  • Cuộc sống tốt nhất không phải là cuộc sống lâu nhất, mà là người giàu nhất trong những việc tốt.
  • Bạn không bao giờ nên sợ những gì bạn đang làm khi nó đúng.
  • Bạn sẽ không bao giờ khiến tôi tin rằng phụ nữ được tạo ra để đi trên sàn.
  • Chúng ta phải có sự kiên định và trên hết là sự tự tin vào bản thân. Chúng ta phải tin rằng chúng ta có năng khiếu cho một cái gì đó.

 Khóa học Người nổi tiếng liên quan