Condoleezza Rice sinh ngày 14 tháng 11 năm 1954 tại Birmingham, tiểu bang Alabama, con duy nhất của Mục sư John Wesley Rice, Jr. và Angelena Rice. Cha của bà là mục sư tại Nhà thờ Trưởng Lão Westminster và mẹ là giáo viên dạy các môn khoa học, âm nhạc, và thuật hùng biện. Tên Condoleezza có nguồn gốc từ thuật ngữ âm nhạc con dolcezza (tiếng Ý), nghĩa là “(tấu nhạc) một cách ngọt ngào”.
Thành phố miền Nam Birmingham, được biết đến với thái độ phân biệt chủng tộc không khoan nhượng của cư dân da trắng, không phải là môi trường tốt cho một cô bé da màu như Rice, cũng không thuận lợi cho các hoạt động của Phong trào Dân quyền của Mục sư Martin Luther King, Jr.
Ngay từ khi còn bé, Rice đã học biết cách bước đi tự tin ở nơi công cộng, và chỉ sử các tiện nghi trong nhà thay vì chịu đựng cách đối xử kỳ thị đối với người da màu khi sử dụng các tiện ích trong thành phố. Rice nhận xét về bố mẹ: “ba mẹ tôi không chịu để các hạn chế và bất công trong thời của họ giới hạn chân trời của tôi”.
Rice thường nhắc lại những lần cô bị kỳ thị do màu da của mình, trong đó có lần cô bị buộc phải vào phòng chứa đồ tại một cửa hàng bách hóa thay vì được sử dụng một phòng thay đồ bình thường, cô bị ngăn không được vào xem xiếc hay vào công viên giải trí, không được sử dụng phòng khách sạn, và chỉ được dọn những món ăn xoàng xĩnh trong nhà hàng. Cha mẹ của Rice cố giữ con gái tránh xa những nơi cô có thể bị kỳ thị. Mục sư Rice dạy con gái và các học trò của ông rằng người da đen cần phải chứng tỏ mình có thể tiến bộ, và cần phải sống tốt “bội phần hơn” để có thể vượt qua các bất công của chế độ phân biệt chủng tộc.
Bà Rice đã bắt đầu học tiếng Pháp, âm nhạc, trượt băng nghệ thuật và múa ballet từ năm lên 3 tuổi, nhưng sau đó bà lại không trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp mà theo học chính trị quốc tế Đại học Denver, nơi cha bà đảm nhiệm công việc của một phụ tá hiệu trưởng. Năm 1974, bà tốt nghiệp đại học rồi tiếp tục theo đuổi các học vị cao hơn nữa về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại các đại học danh tiếng.
2.1 Sự nghiệp
Rice nhận làm phụ tá giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Stanford (1981-1987), phó giáo sư (1987 - 1993), giáo sư môn khoa học chính trị (1993 – tháng 7 năm 2000). Bà được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Viện trưởng của Đại học Stanford từ năm 1993 đến năm 1999. Trong thời gian làm việc ở Stanford, bà đã gây được sự chú ý với chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan với những kiến thức uyên sâu về các vấn đề Xô Viết.
Năm 1986, theo lệnh của Tổng thống Reagan, Tiến sĩ Rice đã vào làm trong Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và sau đó được bổ nhiệm vào vị trí phụ tá đặc biệt cho giám đốc Hội đồng Tham mưu Liên quân. Từ năm 1989 đến 1991, bà Rice phục vụ trong chính quyền của Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) với cương vị giám đốc, rồi Tổng giám đốc Vụ Xô viết và Đông Âu thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, và là phụ tá đặc biệt cho tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia.
Suốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000 của Georg W. Bush (Bush con), bà Rice xin nghỉ phép một năm tại Đại học Stanford để dành thời gian làm việc với ông Bush trong cương vị cố vấn về chính sách ngoại giao.
Tháng 12/2000, sau khi ông Bush đắc cử, bà Rice nghỉ việc tại Stanford để đảm nhiệm chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông. Bà là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí này. Condoleezza Rice cũng là người sát cánh và ủng hộ Tổng thống Bush tái tranh cử vào năm 2004. Tháng 11/2004, ông Bush đề cử bà Rice vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ thế chỗ của ông Colin Powell.
Trên cương vị Ngoại trưởng, bà Rice đã bắt tay cải tổ và tái cấu trúc toàn bộ guồng máy của bộ ngoại giao và công du tới 70 quốc gia. Ngoài tiếng Anh, bà Rice có thể nói tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Pháp, và tiếng Tây Ban Nha với các mức độ thông thạo khác nhau.
2.2 Thành tựu
Tạp chí Forbes đã hai lần bầu chọn bà Condoleezza Rice là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới (năm 2004 và năm 2005).