Trần Đình Long sinh ngày 20 tháng 2 năm 1961 tại tỉnh Hải Dương. Ông hiện cư trú ở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Mẹ ông tên là Đỗ Thị Giới. Tính đến 16/6/2017, bà Đỗ Thị Giới có 890,827 cổ phiếu HPG với giá trị 36.2 tỉ đồng.
Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 1986.
2.1 Sự nghiệp
Ông bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1992 qua việc thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, tiền thân của Tập đoàn Hoà Phát bây giờ.
Thiết Bị Phụ Tùng ban đầu chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về, năm 1993 đánh dấu mốc quan trọng của công ty khi lần đầu sang nước ngoài để nhập khẩu hàng hóa một cách tương đối bài bản.
Thời kỳ đầu Công ty còn phải mượn nhà ông Long làm địa điểm vì doanh nghiệp thành lập phải có địa chỉ đăng ký. Thấy tiềm năng thị trường lớn, ông Long mới quyết định thành lập Công ty Nội Thất rồi lọc ra 30 nhà cung cấp Đài Loan rồi Malaysia, Singapore...
Ban đầu, Công ty Thiết bị phụ tùng thường phải mua ống thép về làm giàn giáo, nhưng thu mua rất khó khăn, chờ đợi, xin phê duyệt và ý tưởng sản xuất ống thép bắt nguồn từ đây.
Đến năm 2002, khi thị trường xuất hiện nhiều cái tên sính ngoại như Thép Việt Mỹ, Việt Hàn, Việt Nhật, Việt Pháp, Việt Đức... thì ông Long lại chọn cho mình cái tên "Hoà Phát" để đổi tên cho các công ty, thống nhất một thương hiệu.
Cuối năm 2009 đánh dấu bước chuyển mình lớn của Hoà Phát khi Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 giúp Tập đoàn tạo được chu trình khép kín từ sản xuất than coke – luyện phôi từ quặng và phế liệu – đúc – cán thép đến phân phối. Điều này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí phát sinh ở các khâu trung gian cũng như sản xuất với quy mô lớn hơn.
Ông từng chia sẻ: “Gốc rễ của Hòa Phát 23 năm trước chỉ làm máy nông nghiệp, nếu không mạnh dạn đầu tư vào thép thì đâu có thương hiệu thép Hòa Phát như ngày hôm nay. Nhưng thời điểm đó chúng tôi quyết định đầu tư vào thép thì rất nhiều người đã khuyên tôi không nên làm vì thế nào cũng chết”. Thế nhưng, với tư duy khôn khéo của một doanh nhân, ông Trần Đình Long đã biến một công ty chuyên về phụ tùng trở thành một tập đoàn đa ngành thành công nhất nhì tại Việt Nam.
Năm 2016 cũng là lần đầu tiên Hòa Phát vượt qua Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) và chiếm ngôi “vua” thị phần tiêu thụ thép và ống thép trong cả nước.
Năm 2017, Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất cả nước với tổng tài sản gần 40.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 15.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường hơn 90.200 tỷ đồng.
Đạt được thành công hôm nay, trên hết đến từ quan điểm kinh doanh bản lĩnh của vị doanh nhân này. “Quan điểm của chúng tôi sản xuất thép trên một chặng đường dài chứ không nhìn vào hiện tượng và luôn nằm trong nhóm kiểm soát tốt nhất chi phí, nên nếu có sập thì Hòa Phát sẽ là người chết cuối cùng”, ông khẳng định.
Không chỉ tập trung vào ngành thép mà trong vài năm trở lại đây làn sóng doanh nhân tham gia vào nông nghiệp nở rộ khi nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc, thực phẩm sạch ngày càng cao. Bốn sản phẩm chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp của Tập đoàn gồm: thức ăn chăn nuôi, lợn, bò, gà với mô hình 3F (Feed, Farm, Food).
Ông Long từng trả lời trước truyền thông về nỗi lo sợ của nhà đầu tư khi một doanh nghiệp thép lại lấn sang lĩnh vực nông nghiệp là: “Chiến lược của Hoà Phát về nông nghiệp là không nhìn trong ngắn hạn, lấy lợi nhuận của ngành trước đầu tư ngành hàng sau. Nhà đầu tư đòi hỏi có lãi ngay thì không có. Nếu nhà đầu tư chỉ đầu tư ngắn hạn thì không ở được với Hoà Phát”.
2.2 Thành tích
Năm 2016, ông là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau Phạm Nhật Vượng và Trịnh Văn Quyết.
Đầu tháng 3 năm 2019, tên Trần Đình Long xuất hiện trong danh sách tỉ phú USD trên danh sách real time của tạp chí Forbes với tài sản 1 tỉ USD, xếp thứ 1756 thế giới.