Margaret Hilda Roberts (13 tháng 10 năm 1925 – 8 tháng 4 năm 2013), còn được mệnh danh là người đàn bà thép (iron lady), được sinh ra tại thị trấn Grantham ở Lincolshire, miền đông Anh Quốc.
Cha bà là Alfred Roberts, làm chủ hai cửa hàng thực phẩm trong thị trấn. Mẹ của bà là Beatrice Roberts, bà Margaret có một chị gái tên Muriel. Hai chị em lớn lên trong một căn hộ thuộc tầng trên của cửa hàng gia đình.
Ngay từ nhỏ bà đã rất xuất sắc trong học vấn. Bà học ngành hóa học tại Đại học Oxford. Vừa học bà vừa tham gia chính trị từ hồi còn nhỏ. Bà có bài phát biểu chính trị từ năm 20 tuổi.
Bà theo học tại trường nữ (Kesteven), năm 1944 học tại Somerville College thuộc Đại học Oxford chuyên ngành hóa.
Năm 1947, Margaret đậu bằng Cử nhân, ba năm sau bà nhận học vị Thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp, bà đến Colchester ở Essex để nhận công việc nghiên cứu cho công ty BX Plastics.
Trong các cuộc bầu cử năm 1950 và 1951, Margaret Roberts ra tranh cử tại hạt bầu cử Darford thách thức một dân biểu đương nhiệm thuộc Đảng Lao động, cô là ứng cử viên trẻ nhất của Đảng Bảo thủ.
Năm 1953, Margaret bắt đầu hành nghề luật chuyên về luật thuế.
Sau vài lần thất bại, năm 1959 Thatcher đắc cử vào Viện Thứ dân (Hạ viện).
Chỉ hai năm sau, tháng 10 năm 1961, Margaret chiếm một vị trí trên hàng ghế đầu của Quốc hội trong cương vị Thư ký đặc trách Quỹ Hưu trí và Bảo hiểm Quốc gia, Thatcher nắm giữ chức vụ này cho đến khi đảng Bảo thủ đánh mất quyền lực trong cuộc tuyển cử năm 1964.
Ngày 4 tháng 5 năm 1979, Thatcher trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh với sự ủy nhiệm của cử tri nhằm đảo ngược tình trạng suy thoái kinh tế của đất nước cũng như thu nhỏ vai trò của nhà nước trong các chức trách về kinh tế.
Bà Thatcher được coi là người có công lớn đối với việc kết thúc Chiến tranh Lạnh và là một nhà cải cách kinh tế lớn. Bà đảm nhiệm chức vị đứng đầu nước Anh trong gần 3 nhiệm kỳ.
Khi trở thành Thủ tướng Anh năm 1979, nước Anh đang trong tình trạng suy thoái. Lập trường kinh tế chính trị của bà là chú trọng việc giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước, mở rộng thị trường tự do, và phát triển doanh nghiệp. Bà cam kết chấm dứt điều bà cho là sự can thiệp thái quá của Chính phủ vào nền kinh tế, và sẽ hành động để tư hữu hóa các doanh nghiệp quốc doanh, và bán nhà công cho người thuê mướn. Quan điểm của bà có nhiều điểm tương đồng với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan lúc bấy giờ.
Bà Thatcher mở đầu chính sách kinh tế bằng cách nâng lãi suất nhằm kìm hãm mức gia tăng nguồn cung ứng tiền tệ, nhờ đó giảm lạm phát.
Sau thời gian tại nhiệm 11 năm của bà, bộ mặt của nước Anh đã thay đổi và được quốc tế nể phục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những tranh cãi xung quanh những thành tựu mà bà đạt được. Phe cánh hữu ca tụng bà là người đưa nước Anh đi lên và rằng bà là nhà cải cách kinh tế lớn, còn phe cánh tả nói bà hủy hoại nền công nghiệp truyền thống.
Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, cả thế giới còn biết đến bà Thatcher qua vụ việc ở đảo Falkland. Ngày 2/4/1982, Argentina xâm chiếm quần đảo Falkland. Thatcher đã ra lệnh gửi ngay một lực lượng đặc nhiệm của hải quân đến tái chiếm quần đảo. Ngày 14/6/1982, Argentina đầu hàng, Anh thắng thế. Mặc dù 258 binh sĩ Anh thiệt mạng nhưng chiến dịch của bà được cho là thành công. Uy tín của bà tăng mạnh sau sự kiện này.
Năm 1990, bắt đầu xuất hiện những bất bình đối với chính sách thuế của bà Thatcher ở cấp địa phương và sự phân hóa bên trong Đảng Bảo thủ về lập trường hội nhập vào châu Âu. Ngày 22/11/1990, bà từ nhiệm.
Năm 2002, sau một đợt đột quỵ, bà không còn xuất hiện trước công chúng. Chồng bà cũng qua đời năm 2003. Ngày 8/4, bà qua đời vì một cơn đột quỵ.