Henry Ford (30 tháng 7 năm 1863 – 7 tháng 4 năm 1947), là con trai đầu trong số 6 người con của ông bà William Ford - là nông dân có nguồn gốc từ Aixơlen sang nhập cư ở Mỹ từ những năm đầu của thế kỷ 19.
Cậu bé Henry ngay từ nhỏ đã tỏ ra vô cùng hiếu động và thường xuyên bị chê mắng là nghịch ngợm. Sống trong gia đình nông dân nhưng Henry chẳng tỏ ra chút thích thú và gắn bó với ruộng vườn hay gia súc. Trái lại, cậu lại rất tò mò về các loại thiết bị, máy móc. Ông bà Ford nhiều lúc rất bực mình khi không ít đồ dùng gia đình bị cậu con trai tháo tung từng bộ phận. Không như những đứa trẻ cùng lứa khác, đồ chơi ưa thích nhất của Henry Ford chính là chiếc cưa, búa, kìm và những tô ốc vít các cỡ.
Chuyện kể rằng, lần đầu tiên thấy cha có chiếc đồng hồ đeo tay, Henry như bị hút hồn vào đó. Cậu hỏi mượn cho bằng được rồi sau đó lén đem vào phòng riêng để ngắm nghía từng chi tiết bộ phận tinh xảo của chiếc đồng hồ giây cót. Vì vậy, khi mười lăm tuổi, ông đã nổi tiếng là một người sửa chữa đồng hồ giỏi, đã từng tháo ra và lắp lại các loại đồng hồ của bạn bè và hàng xóm hàng chục lần.
Thủa bé, Ford đã có một cái xưởng nhỏ với các mẫu kim loại lặt vặt dùng làm công cụ. Hồi đó, tất cả đồ chơi của ông đều được chế tạo bằng tay thủ công, khác xa so với đồ chơi bây giờ. Khoảng khắc tuyệt nhất trong tuổi thơ của Ford là ông thấy động cơ đường sắt, một chiếc xe chạy bằng hơi nước. Đó là chiếc xe đầu tiên ông thấy chạy được mà không cần ngựa kéo. Vì vậy, Henry Ford đã lân la tìm hiểu và quyết tâm tự làm thử một cái tương tự.
Khi 17 tuổi, ông bắt đầu ông bắt đầu công việc của một người thợ máy học nghề, đủ điều kiện trở thành thợ trước thời hạn và được nâng lên các cấp cao hơn trong nhà máy động cơ Drydock. Khi rảnh rỗi, ông nghiên cứu cơ chế hoạt động của động cơ chạy bằng xăng và mơ đến việc làm nên một “chiếc xe hơi toàn cầu” có thể vận chuyển con người ít tốn chi phí và đáng tin cậy.
Mẹ ông mất năm 1876. Đó là một sự kiện làm Henry bị sốc nặng. Cha ông hy vọng rằng cuối cùng Henry sẽ quản lý trang trại của gia đình, nhưng ông không thích nghề nông. Và cùng với cái chết của mẹ, không còn nhiều điều hứng thú có thể giữ ông ở lại trang trại nữa.
Năm 1879, ông rời gia đình để đến thành phố gần đó Detroit và làm việc với tư cách thợ học việc, đầu tiên với James F. Flower & Bros., và sau đó với Detroit Dry Dock Co. Năm 1882, ông quay trở lại Dearborn để làm việc ở trang trại gia đình và trở thành người lão luyện trong việc điều khiển máy hơi nước loại nhỏ Westinghouse. Vì vậy ông được Công ty Westinghouse thuê để bảo dưỡng các loại máy móc.
Ford đứng trước lựa chọn đam mê
Năm 1891, Ford trở thành một kỹ sư ở Edison Illuminating Company, và sau khi ông được thăng chức lên làm kỹ sư trưởng năm 1893.
Sau đó, ông chủ của Công ty Detroit Edison đề cử ông lên một vị trí cao với điều kiện ông phải từ bỏ niềm đam mê cá nhân của mình để chuyên tâm vào công việc hữu ích hơn. Bỏ qua danh vọng trước mắt chỉ để có một cơ hội thay đổi thế giới bằng việc theo đuổi đam mê đòi hỏi sự dũng cảm của mỗi cá nhân. Ông đã chính thức thôi việc vào ngày 15 tháng 8 năm 1899 và bắt đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh ô tô từ đó.
Khởi nghiệp
Không có nguồn vốn cá nhân, Ford kết hợp với một nhóm nhà đầu tư để lập ra công ty Detroit Automobile Company. Công ty ô tô Detroit nhanh chóng phá sản sau đó bởi vì Ford tiếp tục cải tiến thiết kế, chứ không bán xe. Ford cho xe của mình chạy đua với xe của các công ty khác để thể hiện các ưu thế trong thiết kế của ông. Vì ông chú ý tới xe đua, ông đã thành lập nên một công ty thứ hai, Công ty Henry Ford. Trong giai đoạn này, chính ông là người lái xe và chiến thắng trong cuộc đua với Alexander Winton, một tay đua nổi tiếng và rất được hâm mộ vào ngày 10 tháng 10 năm 1901. Ford bị các nhà đầu tư buộc phải rời công ty và người thay thế ông là Henry M. Leland năm 1902, và công ty được tổ chức lại thành Cadillac.
Bốn năm sau, người đàn ông 40 tuổi lập ra công ty Ford Motor Company. Công ty huy động được số vốn là 100.000 đô la, và lần này Ford sở hữu 1/4 cổ phiếu của công ty.
Vào năm 1905, khi các ngân hàng đầu tư cho công ty của ông cho rằng cách tốt nhất để gia tăng lợi nhuận là chế tạo xe cho người giàu, thì Ford khẳng định những công nhân lắp ráp xe hơi cũng phải có tiền để mua xe cho riêng mình.
Tháng 10/1908, lời nói của Henry Ford thành hiện thực khi cho ra mắt mẫu xe hơi Model T với giá 950 USD, và sau 19 năm bán ra, giá của sản phẩm chỉ còn 280 USD. Gần 15,5 triệu xe đã bán hết trên thị trường Mỹ thời bấy giờ.
Năm 1914, nhà máy của Ford Motor tại Michigan (Mỹ) đã áp dụng công nghệ đột phá vào sản xuất, cho phép tạo ra một bộ khung xe hoàn chỉnh chỉ sau 93 phút, trong khi công việc này trước đây chiếm tới 728 phút. Cùng với việc phân chia các khâu lắp ráp, chuyên biệt lao động và đảm bảo tốt về kỹ thuật cũng như vận hành của sản phẩm, công ty của ông nhanh chóng nhận được nhiều đơn đặt hàng và doanh số tăng đáng kể.
Sự ra đời của dòng xe hơi giá rẻ Model T đánh dấu nhiều biến chuyển trong xã hội Mỹ. Khi số người sở hữu xe ngày càng tăng thì cũng là lúc giai cấp trung lưu được hình thành: những cư dân ngoại ô sở hữu mức lương cao, phương tiện đi lại cá nhân và có nhiều thời gian hơn để sử dụng đồng tiền mình làm ra. Các khu ngoại thành cũng trở nên phát triển hơn, và hệ thống đường cao tốc quốc gia cũng bắt đầu hình thành từ thời điểm này.
Sau chín năm kể từ khi dòng xe Model T ra đời, Ford phát triển và thương mại hóa mẫu xe Model TT. Với khả năng chuyên chở hàng hóa lên đến một tấn, Model TT đã góp phần thay đổi cách thức thế giới lao động.
Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, những sản phẩm xe tải bán tại thị trường Bắc Mỹ được Ford đầu tư hơn về thiết kế, và đến năm 1948, sản phẩm xe tải với thiết kế khung gầm chuyên biệt đầu tiên của Ford được ra mắt. Đây là bước đi quan trọng, đồng thời là tiền đề để Ford tăng cường mạnh mẽ khả năng vận hành của những sản phẩm xe tải.