Nhà hóa học Alfred Nobel

  1. Thời thơ ấu của Nhà hóa học Alfred Nobel

Alfred Nobel sinh ngày 21 tháng 10 năm 1833 tại Stockholm, Thụy Điển, là con trai thứ ba của nhà khoa học Immanuel Nobel (1801 - 1872) và Karolina Andriette (Ahlsell) Nobel (1805–1889). Hai vợ chồng có tám đứa con nhưng chỉ có Nobel và hai anh, anh cả là Robert Nobel, anh thứ là Ludvig Nobel, và cậu em Emil Oskar Nobel là sống qua thời thơ ấu.

Theo dòng họ nội, ông là hậu duệ của nhà khoa học Thụy Điển danh tiếng Olaus Rudbeck (1630–1702). Từ bé, Nobel rất hay bị ốm, nên sức khoẻ của cậu bé không được tốt lắm. Sau vài năm, cha của Nobel rời đến Saint Peterburg để chế tạo thuỷ lôi, địa lôi và vũ khí cho quân đội Nga bành trướng ra bên ngoài. Sau 5 năm xa cách, cuối cùng, năm 1842, cả nhà Nobel chuyển đến Saint Peterburg, nơi bố đang làm việc.

Nobel đặc biệt thích học văn học, nhưng bố cậu lại muốn Nobel học khoa học (vì Nobel có năng khiếu về khoa học kỹ thuật). Nobel cũng đành phải nghe lời bố.Từ đó, Nobel bắt đầu nghiên cứu cùng bố và các anh về thuốc súng và thuỷ lôi, địa lôi.

  1. Sự nghiệp của Nhà hóa học Alfred Nobel

Về Thụy Điển năm 1863, Alfred Nobel tập trung phát triển chất nổ nitroglycerine. Một vài tai nạn xảy ra khiến các quan chức thành phố Stockholm cho rằng chế tạo chất này là quá nguy hiểm và cấm nghiêm ngặt, nhưng ông vấn tiếp tục nghiên cứu.

Năm 1864, Alfred Nobel bắt đầu sản xuất nitroglycerin trên quy mô lớn. Để làm cho chất này an toàn hơn, ông đã thí nghiệm với nhiều chất phụ gia khác nhau, và nhanh chóng nhận ra rằng, nitroglycerine trộn với silic dioxide sẽ biến thành một dạng bột nhão, có thể nặn thành thỏi và các dạng khác dễ nhồi vào các lỗ khoét sẵn.

Năm 1867, Alfred Nobel đăng ký bản quyền sáng chế cho vật liệu này dưới tên dynamite. Để có thể kích hoạt các thỏi thuốc nổ, ông cũng tìm cách tạo ra ngòi cho chúng.

Thị trường dynamite và ngòi nổ tăng rất nhanh. Alfred Nobel cũng tự học hỏi không ngừng, trở thành nhà kinh doanh tài ba. Năm 1865, nhà máy của ông tại Krummel, gần Hamburg, Đức đã xuất khẩu chất nổ tới các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Trong những năm sau đó, Alfred Nobel thành lập các nhà máy và phòng thí nghiệm ở hơn 90 điểm tại hơn 20 quốc gia. Ông tập trung phát triển công nghệ chất nổ cũng như phát minh ra nhiều vật liệu hoá học khác, trong đó cao su và da tổng hợp, tơ nhân tạo… Cho đến khi qua đời vào năm 1896, Nobel có 355 bằng sáng chế.

1896, Alfred Nobel qua đời, trong di chúc cuối cùng, ông dành hẳn một giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức có công thúc đẩy hoà bình. Ông dùng tài sản của mình để sáng lập ra Giải thưởng Nobel. Nguyên tố hóa học Nobelium được đặt theo tên của ông.

  1. Giải thưởng

Giải thưởng Nobel là một đóng góp cho nền khoa học thế giới và cũng có thể coi đó là sự chuộc tội của Nobel đối với nhân loại khi đã sản xuất ra một loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm.

Trên thực tế thì Nobel không hề có ý định sử dụng phát minh của mình trong chiến tranh mà chỉ đơn thuần để ứng dụng vào việc mở đường, phá đá, xây dựng các con kênh hoặc trong các công việc phục vụ xây dựng khác và. Nếu kể đến tội thì phải nói tới các nhà quân sự, các chính quyền quốc gia đã lạm dụng nó vào những mục đích không vốn có của thuốc nổ.

Giải thưởng Nobel  là một tập các giải thưởng quốc tế được tổ chức trao thưởng hằng năm kể từ năm 1901 cho những cá nhân đạt thành tựu trong lĩnh vực vật lý, hoá học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình; đặc biệt là giải hoà bình có thể được trao cho tổ chức hay cho cá nhân.

Từ năm 1901 đến năm 2012, các giải thưởng Nobel và giải thưởng về Khoa học Kinh tế được trao tặng 555 lần cho 856 người và tổ chức. Do một số cá nhân và tổ chức nhận giải Nobel nhiều hơn một lần, tổng cộng có 835 cá nhân (791 nam và 44 nữ) và 21 tổ chức đã nhận giải này một số nhân vật tiêu biểu phải kể đến đã nhận được giải thưởng là: Albert Eintein (Nobel Vật lý), Barack Obama (Nobel hòa bình), Nelson Mandela (Nobel hòa bình), T.S Eliot (Nobel văn học)...

 Bài viết thuộc chủ đề Người nổi tiếng