10 nguyên tắc cốt lõi trong Triết lý Kaizen – Chìa khóa của sự thành công cho doanh nghiệp

10 nguyên tắc cốt lõi trong Triết lý Kaizen – Chìa khóa của sự thành công cho doanh nghiệp

Kaizen là một thuật ngữ kinh tế của người Nhật, được ghép bởi từ改 (“kai”) có nghĩa là thay đổi và từ善 (“zen”) có nghĩa là tốt hơn, tức là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục”. Thuật ngữ này trong tiếng Anh là “ongoing improvement” hoặc “continuous improvement” và trong tiếng Trung, Kaizen được phát âm là Gansai, nghĩa là hành động liên tục cải tiến, mang lại lợi ích vì tập thể hơn là lợi ích của cá nhân.

 

Trong cuốn sách “Kaizen: Chìa khóa thành công của người Nhật”. Kaizen được định nghĩa như sau: “Kaizen có nghĩa là cải tiến “Hơn nữa, Kaizen còn có nghĩa là cải tiến liên tục trong đời sống cá nhân, đời sống gia đình, đời sống xã hội và môi trường làm việc. Khi Kaizen được áp dụng vào nơi làm việc có nghĩa là sự cải tiến liên tục liên quan tới tất cả mọi người – ban lãnh đạo cũng như mọi nhân viên”.

Tại Nhật Bản, Kaizen đã có lịch sử hơn 50 năm và Toyota là công ty đầu tiên triển khai Kaizen. Trước kia, Kaizen chủ yếu được áp dụng trong các công ty sản xuất như Toyota, Canon, Honda… Sau đó, Kaizen được áp dụng rộng rãi trong mọi công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và hiện nay, hầu hết các công ty của Nhật đều đang thực hiện Kaizen. Triết lý này không chỉ giới hạn trong ngành sản xuất mà còn có thể áp dụng được trong ngành dịch vụ, kinh doanh bán lẻ và thậm chí là một khóa học bất kì nào đó.  Triết lý này cũng thích hợp đối với đời sống cá nhân của mỗi người.

1. Luôn tập trung vào khách hàng

– Nguyên tắc bất biến: sản xuất và cung cấp dịch vụ theo định hướng thị trường và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

– Mục tiêu: chủ yếu tập trung vào cải tiến và quản trị chất lượng sản phẩm, nhằm phục vụ khách hàng, gia tăng lợi ích sản phẩm để tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng.

– Người hưởng lợi cuối cùng chính là khách hàng nên bất cứ hoạt động nào không làm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm và không ngừng nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng thì đều bị loại bỏ.

2. Luôn luôn cải tiến

– Nguyên tắc: Hoàn thành không có nghĩa là kết thúc công việc mà chỉ là hoàn thành ở giai đoạn này trước khi chuyển sang giai đoạn kế tiếp.

– Các tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu mã và chi phí hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong tương lai.

– Tập trung cải tiến sản phẩm hiện tại sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, ở cả góc độ chi phí lẫn thời gian so với việc sản xuất ra một sản phẩm mới. Vì vậy quá trình cải tiến sản phẩm, dịch vụ cần được lập kế hoạch và thực hiện một cách liên tục rõ ràng.

3. Xây dựng văn hóa “không đổ lỗi”

– Phương châm “lỗi do tôi, thành công do tâp thể”, quy trách nhiệm đúng đắn và phù hợp cho từng cá nhân, cá nhân phải chịu trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

– Không báo cáo, xin lỗi vì những lý do không chính đáng như: trời nắng, trời mưa, điều kiện nghèo nàn…

– Phát huy năng lực của mỗi thành viên để cùng nhau sửa lỗi, hoàn thiện sản phẩm tốt nhất có thể…Từ đó, uy tín doanh nghiệp tăng, sản phẩm và dịch vụ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

4. Thúc đẩy môi trường văn hóa mở

– Xây dựng văn  hóa doanh nghiệp theo tiêu chí ” doanh nghiệp duy nhất cho sản phẩm “trên thị trường.

– Xây dựng một môi trường văn hóa mở, văn hóa không đổ lỗi, nhân viên dám nhìn thẳng vào sai sót, chỉ ra các điểm yếu và yêu cầu đồng nghiệp, lãnh đạo giúp đỡ.

– Xây dựng tốt hệ thống thông tin nội bộ, trong đó có kênh thông tin cần hỗ trợ đắc lực để nhân viên chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm giữa các bộ phận, giữa đồng nghiệp, nhân viên với lãnh đạo và ngược lại trong toàn công ty.

5. Khuyến khích làm việc theo nhóm

– Tạo dựng các nhóm làm việc hiệu quả là một phần quan trọng trong cấu trúc của công ty.

– Mỗi nhóm cần được phân quyền hạn nhất định: Trưởng nhóm cần bao quát, nắm rõ nhiệm vụ, yêu cầu và có khả năng tập hợp, biết đánh giá và sắp xếp phù hợp năng lực các thành viên để triển khai dự án hiệu quả. Thành viên cần nỗ lực phối hợp để nhóm đạt hiệu quả tốt, hiệu quả và liên tục cải tiến.

– Tôn trọng uy tín và cá tính của mỗi thành viên.

6. Quản lý các dự án kết hợp với các bộ phận chức năng

Theo nguyên tắc này, các nhà quản lý nhân sự cần bố trí hợp lý nguồn lực kết hợp từ các bộ phận, phòng ban trong công ty kể cả tận dụng nguồn lực từ bên ngoài để làm dự án.

7. Nuôi dưỡng các quy trình quan hệ đúng đắn

– Không tạo dựng quan hệ đối đầu hay kẻ thù.

– Đầu tư vào các chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp cho nhân viên, đặc biệt là các khóa đào tạo cho nhà quản lý và lãnh đạo, là những người có trách nhiệm cao nhất đảm bảo cho quá trình giao tiếp, trao đổi thông tin tốt đẹp nhất.

– Đầu tư để tạo dựng niềm tin cho nhân viên luôn có lòng trung thành và cam kết làm việc lâu dài trong công ty.

8. Rèn luyện ý thức kỷ luật, tự giác:

– Tự nguyện thích nghi với nghi lễ, luật lệ của xã hội.

– Hy sinh quyền lợi của bản thân để có sự đồng nhất với đồng nghiệp và cương lĩnh của công ty.

– Luôn tự soi xét để kiềm chế cá tính của riêng mình, đặt lợi ích công việc lên trên hết.

9. Thông tin đến mọi nhân viên

– Thông tin là một yếu tố đầu vào quan trọng hàng đầu trong quá trình sản xuất kinh doanh hiện đại.

– Nhân viên không thể đạt kết quả xuất sắc ngoài mong đợi nếu không thấu hiểu nhiệm vụ, giá trị, sản phẩm, kết quả kinh doanh, nhân sự và các kế hoạch khác của công ty.

– Duy trì việc chia sẻ thông tin cho mọi nhân viên chính là một phương thức san sẻ khó khăn, thách thức của công ty cho mỗi thành viên.

10. Thúc đẩy năng suất và hiệu quả

Thông qua tổng hợp các phương pháp đào tạo

– Đào tạo đa kỹ năng

– Khuyến khích và tạo động cơ làm việc

– Xây dựng tinh thần trách nhiệm trong công việc

– Phân quyền cụ thể

– Phát huy khả năng chủ động và tự quyết định

– Tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng nguồn lực, khuyến khích nhân viên đưa ra ý kiến phản hồi

– Luân chuyển công việc và khen thưởng kịp thời

                                                                                                                                                    Hoàng Báu tổng hợp

 Khóa học Dành cho nhà tuyển dụng liên quan