Những sai lầm của sếp khiến nhân viên kinh doanh liên tục nhảy việc

1. Bạn phân chia công việc không phù hợp

Nghiên cứu mới từ Stanford chỉ ra rằng năng suất mỗi giờ làm việc giảm rõ rệt nếu lao động làm quá 50h/tuần. Nếu vượt quá 55h/tuần, năng suất lao động giảm mạnh mẽ. Với tình trạng này, nhân viên phải làm việc nhiều mà không hề đạt được kết quả như mong muốn. Nhưng thật đáng buồn đây lại là sai lầm thường xuyên và hàng đầu của những nhà quản lý. Vì muốn nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên, họ đã tăng khối lượng công việc của nhân viên kinh doanh lên gấp 2 – 3 lần khiến cho nhân viên cảm thấy “ngộp”. Nhiều nhân viên kinh doanh bị áp doanh số, KPI… bắt buộc họ phải “chạy” thì mới có “cơm” ăn. Việc áp đặt quá mức này thường phản tác dụng và dẫn đến sự bế tắc của người làm quản lý khi nhân viên kinh doanh lần lượt “dứt áo ra đi”. Họ cảm thấy mệt mỏi, chán chường, không tập trung và việc đến công ty mỗi sáng là một gánh nặng với họ.

nhung-sai-lam-cua-sep-khien-nhan-vien-kinh-doanh-lien-tuc-nhay-viec-hinh-anh-1

 

Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nhân viên kinh doanh bỏ việc là sự phân chia công việc không hợp lý

 

Nếu bắt buộc phải tăng khối lượng công việc của nhân viên tài năng, thì bạn cũng nên tăng chế độ đãi ngộ dành cho họ. Họ có thể đảm đương khối lượng công việc lớn hơn, nhưng sẽ không ở lại nếu công việc khiến họ ngạt thở.

2. Bạn không đào tạo nhân viên

Tuyển dụng nhân viên kinh doanh đã khó, để giữ chân họ còn khó hơn. Cho nên, khi bạn tuyển dụng được một nhân viên tài năng thì hãy chú ý đến việc đào tạo để nâng cao trình độ và cải thiện hiệu suất làm việc của họ. Đừng lo lắng rằng mình sẽ mất thời gian đào tạo và sau khi đã “đủ lông đủ cánh” họ sẽ đầu quân cho những công ty đối thủ. Như vậy là bạn không tin tưởng nhân viên của mình. Việc đầu tư phát triển kỹ năng cho nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp của bạn càng lớn mạnh hơn nữa.

3. Bạn không quan tâm nhân viên

Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hơn một nửa nhân viên nghỉ việc vì mối quan hệ không tốt đẹp của họ với sếp chứ không phải vì tiền lương. Những nhân viên kinh doanh không phải là một ngoại lệ, họ sẽ cảm thấy mình như cái “máy cày doanh số” chứ không phải một “con người”. Cho nên, các nhà lãnh đạo đừng quan tâm quá nhiều đến kết quả công việc mang lại mà nên dành một chút thời gian trò chuyện với họ nhiều hơn.

4. Bạn đặt ra những mục tiêu không có tính khả thi cho nhân viên kinh doanh

Những mục tiêu quá xa vời và không mang tính khả thi mà bạn “áp” cho nhân viên kinh doanh khiến họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản và cảm thấy mình không đủ năng lực để đảm nhiệm vị trí công việc. Cho nên, giao việc cho nhân viên cũng là một nghệ thuật. Đừng để những mục tiêu không có tính khả thi làm cho những nhân viên kinh doanh giỏi và nhiệt huyết từ bỏ bạn.

5. Bạn không ghi nhận đóng góp hay khen thưởng

Sự ghi nhận đóng góp không nhất thiết phải là thăng chức, tăng lương. Bạn có thể khen ngợi và công nhận thành tích của nhân viên đó trước tập thể. Đây là một việc làm mà bạn nên làm thường xuyên để không những có thể giữ chân nhân viên kinh doanh mà còn tạo động lực cho họ làm việc. Do đó, hãy thường xuyên theo dõi kết quả của nhân viên và cho họ những lời khen chân thành, góp ý hay tuyên dương với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.

nhung-sai-lam-cua-sep-khien-nhan-vien-kinh-doanh-lien-tuc-nhay-viec-hinh-anh-2

 

Một lời khen ngợi cũng giúp vực dậy tinh thần của nhân viên kinh doanh

 

6. Bạn không cho phép nhân viên theo đuổi niềm đam mê

Những người giỏi luôn có niềm đam mê. Mang đến cơ hội để họ theo đuổi niềm đam mê cũng góp phần tăng năng suất và sự hài lòng trong công việc. Tuy vậy, nhiều quản lý chỉ muốn nhân viên làm việc trong khuôn khổ. Họ lo sợ năng suất công việc sẽ giảm khi nhân viên tập trung vào nhiều thứ hơn để theo đuổi niềm đam mê. Nỗi lo này hoàn toàn vô căn cứ. Nghiên cứu cho thấy rằng những người có thể theo đuổi niềm đam mê sẽ đạt trạng thái hưng phấn và năng suất làm việc cao gấp 5 lần bình thường.

7. Môi trường làm việc thiếu sự vui vẻ

Nếu không cảm thấy vui, mọi người sẽ không làm việc hết mình. Bởi vậy, tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ là cách tốt để ngăn “chảy máu chất xám”. Những công ty có môi trường làm việc tốt nhất hiểu rõ tầm quan trọng của việc để cho nhân viên thoải mái một chút. Chẳng hạn, Google làm tất cả mọi việc có thể để tạo ra môi trường làm việc vui vẻ: bữa ăn miễn phí cho nhân viên, sân chơi bowling, các lớp tập thể dục… Ý tưởng ở đây rất đơn giản: nếu công việc vui vẻ, nhân viên không chỉ làm việc tốt hơn, mà còn gắn bó với công ty lâu hơn

 

Trên đây là những nguyên nhân hàng đầu khiến nhân viên kinh doanh liên tục nhảy việc. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình quản trị nhân sự và giảm thiểu những rủi ro không đáng có khi mất đi những nhân viên tài năng. Chúc bạn thành công!

BigWorks Tổng hợp.

 Khóa học Dành cho nhà tuyển dụng liên quan