Bí quyết tuyển người giỏi của CEO Amazon, Airbnb, PayPal

Những câu hỏi phỏng vấn dễ đoán trước thường dẫn đến cách trả lời theo khuôn mẫu. Các nhà tuyển dụng khôn ngoan sẽ đi xa hơn những gì họ đã biết trong hồ sơ ứng tuyển để có thể cảm nhận rõ hơn về cách nghĩ của ứng viên, cách mà họ sẽ đối mặt với thử thách và hòa nhập (cũng như đóng góp) vào tương lai của một doanh nghiệp, tổ chức.

Hãy cùng tham khảo cách tiếp cận khi phỏng vấn ứng viên của những CEO hàng đầu – cách đặt ra những câu hỏi giúp người phỏng vấn đào sâu hơn các “sơ yếu lý lịch” hay “thư tự ứng cử”.

Brian Chesky, CEO của Airbnb muốn biết về cuộc sống của ứng viên

Nhà sáng lập và CEO của Airbnb nổi tiếng là người cơ hội và thực dụng khi từng quyết định cho thuê nơi ở của mình để làm “chỗ ngủ và ăn sáng” trong thời gian diễn ra một hội nghị địa phương.

Trong các cuộc phỏng vấn tuyển nhân sự, Chesky muốn biết về các thành tựu và giải pháp, chứ không muốn nghe ứng viên kể lể về chuyện “leo từ nấc thang này đến nấc thang khác” trong cuộc đời công sở. “Tôi cũng yêu cầu mọi người tóm tắt cuộc đời của họ trong ba phút”, Chesky cho biết. “Tôi cố gắng hình dung những quyết định và trải nghiệm đã ảnh hưởng đến việc bạn là ai”.

Neil Blumenthal, CEO của Warby Parker thích đặt câu hỏi một cách ngẫu nhiên

Yêu cầu tuyển dụng nhân sự phù hợp với văn hóa công ty có thể là một gợi ý nguy hiểm vì đôi khi những định kiến – dù rõ ràng hay tiềm ẩn – có thể dẫn dắt người tuyển dụng đi lệch hướng và đánh mất các ứng viên thật sự tuyệt vời.

bi-quyet-tuyen-nguoi-gioi-cua-ceo-amazon-airbnb-paypal-hinh-anh-1

 

Tuyển dụng người tài luôn là mong muốn của các doanh nghiệp

 

Vì thế, sự phù hợp với văn hóa công ty có lẽ không phải là yếu tố duy nhất quyết định một cuộc phỏng vấn; nhưng, nhà tuyển dụng vẫn cần tìm hiểu về khả năng hòa nhập vào tổ chức của ứng viên. Và đó là lý do vì sao Neil Blumenthal, CEO của Warby Parker (thương hiệu kính mắt của Mỹ được sáng lập vào năm 2010), thích “chơi trò tung bóng” bằng cách đưa ra những câu hỏi ngẫu nhiên trong các cuộc phỏng vấn.

“Bạn có thể nói cho tôi biết về bộ cánh mà bạn mới vừa diện gần đây?” là một trong những câu hỏi mà vị CEO này rất ưa thích. Dĩ nhiên, người xin việc không cần phải ăn diện thì mới vào làm cho Warby Parker được. Nhưng, nếu ứng viên phản ứng quá căng thẳng với câu hỏi này thì đây là một dấu hiệu cho thấy họ khó hòa nhập với văn hóa công ty.

Jeff Bezos tra vấn ứng viên về độ tin cậy, tinh thần trách nhiệm

Bezos không chỉ ám ảnh với việc tạo nên một trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng; tỉ phú giàu nhất thế giới cũng rất kiên trì tìm kiếm những nhân viên cừ khôi nhất cho Amazon.

Hầu hết ứng viên đều hào hứng nói về các thành tích trong quá khứ, nhưng Jeff Bezos lại thiết kế những câu hỏi đặt ứng viên vào “ghế nóng” nhằm tìm hiểu về độ tin cậy, khả năng chịu trách nhiệm của họ. Chẳng hạn, ông có thể hỏi ứng viên “Hãy kể cho tôi nghe về một tình huống mà khi đó bạn biết rằng việc mà bạn làm đã không thể có được kết quả tốt nhất – bạn đã phản ứng ra sao?”. Cách trả lời cho những câu hỏi yêu cầu xử lý tình huống như thế này sẽ giúp người phỏng vấn hiểu được cá tính, khả năng và kinh nghiệm của ứng viên và để biết xem liệu họ có thể thành công ở môi trường mới hay không.

CEO của Amazon muốn tìm “những người luôn tranh đấu để vượt qua những kỳ vọng dành cho họ. Với ông, người mới đến phải nâng được “mức xà cũ” lên một tầm cao mới.

Peter Thiel tìm kiếm những người thể hiện quan điểm đối lập

Nhà sáng lập của PayPal, Peter Thiel thích tìm kiếm các ứng viên sẵn sàng bảo vệ một lập trường không giống với số đông. Trong quyển Zero to One, Thiel viết về cách tiếp cận của ông trong các cuộc phỏng vấn xin việc và tầm quan trọng của việc tìm kiếm nhân sự có khả năng bác bỏ những hiểu biết theo lối mòn và mang tính khuôn mẫu.

Jay Gould của Yashi muốn ứng viên “phản biện với chính mình”

Đối với người xin việc, không có gì nhàm chán hơn là việc phải nói đi nói lại cùng một câu chuyện hoặc lặp lại cùng một câu trả lời từ cuộc phỏng vấn này sang cuộc phỏng vấn khác với “những ông chủ giống nhau”. CEO Jay Gould của Yashi (một ứng dụng quảng cáo dựa trên địa điểm và thời gian thực) giao cho cấp dưới xem xét về khả năng chuyên môn của ứng viên, còn ông sẽ tập trung vào tính cách và khả năng thích nghi với văn hóa công ty của họ.

Jay Gould thường hỏi ứng viên rằng “tại sao ông nên quyết định thuê họ”. “Nếu như họ suy nghĩ quá lâu hoặc không thể trả lời câu hỏi thì có lẽ họ đang che giấu điều gì”, Gould giải thích với tạp chí Fast Company.

Những chia sẻ của các CEO trong việc tìm kiếm ứng viên tiềm năng cho doanh nghiệp của mình là điều mà nhiều người phải học theo. Bằng kinh nghiệm của mình, các CEO này đã liên tục tuyển dụng được người tài cho công ty của mình.

BigWorks Tổng hợp.

 Khóa học Dành cho nhà tuyển dụng liên quan