XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ VỚI NHỮNG ỨNG VIÊN MÀ BẠN TỪ CHỐI - TẠI SAO KHÔNG?

Những ứng viên mà bạn từ chối hôm nay rất có thể là những ứng viên tiềm năng hàng đầu hoặc thậm chí là khách hàng của bạn trong tương lai. Thế nhưng lại có rất nhiều ứng viên và các nhà tuyển dụng lại “lướt qua đời nhau” khi phỏng vấn thất bại mà không một lời hồi đáp. Tâm lý “Một khi đã tìm ra được người phù hợp với công việc sẽ không ngó ngàng đến những ứng viên khác và chỉ tập trung vào mục tiêu tiếp theo của mình” là một chiến lược có thể tốt trong tức thời, giúp bạn tiết kiệm thời gian nhưng về dài hạn thì không đâu nhé.

👉 Vậy chúng ta cần phải làm gì để “xây dựng một nền móng nhẹ nhàng mà keo sơn” với những ứng viên đó?

- Hãy thẳng thắn một cách lịch sự

Thẳng thắn với các ứng cử viên là điều rất quan trọng. Các nhà tuyển dụng, chuyên gia nhân sự hoặc các nhà quản lý rất hiếm khi thẳng thắn với các ứng viên bị từ chối về lý do tại sao họ không phù hợp.

Mặc dù không chọn ứng viên đó, nhưng nhà tuyển dụng có thể dễ dàng vẽ cho một bức tranh mô tả kinh nghiệm làm việc, học vấn và các bằng cấp, những điều khiến ứng viên đó được tuyển bởi nhiều tổ chức khác hoặc các cơ hội mới trong tương lai từ chính công ty mình. Khuyến khích họ hoàn thành một kỳ thực tập hay một bằng cấp nào đó giúp họ nâng cấp giá trị cũng là một ý tưởng không tồi.

- Khảo sát ứng viên nghĩ gì về nhà tuyển dụng

Một quy trình tuyển dụng dù được xây dựng chặt chẽ đến đâu thì cũng sẽ có sai sót. Những góp ý từ ứng viên sẽ là dữ liệu quan trọng để bạn xem xét khi đưa ra quyết định tuyển dụng trong lần tới, nó có thể thay đổi quyết định của bạn về cách dõi theo các ứng cử viên mà bạn đã không chọn. Khi tuyển dụng, hãy làm tốt hơn việc kết nối với các ứng cử viên, bởi tất cả các ứng cử viên đều có thể tạo ra sự khác biệt lớn, kể cả bây giờ hay trong tương lai.

- Tạo cơ hội cho các ứng viên không phù hợp

Sau khi hoàn thành một dự án tuyển dụng, việc mà mình thường làm là phân loại tất cả các ứng cử viên và lưu trữ họ vào cơ sở dữ liệu của công ty. Mình sẽ kết nối liên lạc với họ thông qua tài khoản LinkedIn và giới thiệu một số ứng cử viên đó cho những công ty khác, thậm chí là đối thủ cạnh tranh trong một số trường hợp. Ngoài ra, đề xuất giữ liên lạc thông qua các kênh mạng xã hội như Zalo hoặc Facebook.

Thông thường mọi người không muốn tiến xa hơn với những mối quan hệ như thế này. Nhưng theo mình, bước tiến trong mối quan hệ này chính là yếu tố giúp bạn cùng doanh nghiệp bạn tạo nên sự khác biệt với quy trình thu hút nhân tài trong chiến lược dài hạn.

Túm lại, đừng để suy nghĩ tuyển được người lấn át mục đích lâu dài của bạn chính là “xây dựng mối quan hệ”. Củng cố những kết nối có sẵn, mở rộng và làm quen những người bạn mới. Khi nền tảng quan hệ của bạn đã đủ vững mạnh và có sự tín nhiệm từ những người xung quanh, cơ hội tuyển dụng sẽ tự tìm đến bạn!

 Bài viết thuộc chủ đề Dành cho nhà tuyển dụng