5 mẹo giúp bạn duy trì cuộc trò chuyện tại nơi làm việc

1. Lắng nghe

Nếu không phải là một người hoạt ngôn thì hãy để việc nói cho đối phương và bạn hãy lắng nghe một cách thật tập trung. Không chỉ dừng lại ở việc bạn muốn nghe mà bạn phải cho người nói biết được điều này. Tại sao lại như vậy? Thể hiện sự quan tâm của mình là một cách để khuyến khích người đang nói vì họ cảm thấy có giá trị, được tôn trọng và thấu hiểu. Không ai thích đi trò chuyện với người chẳng quan tâm đến lời nói của mình đúng không nào?

Tuy nhiên, việc nghe thì dễ nhưng lắng nghe một cách tích cực lại không đơn giản như bạn nghĩ. Trên thực tế, lắng nghe tích cực không chỉ nghe những lời mà đối phương đang nói mà quan trọng hơn là hiểu được thông điệp được truyền đạt đằng sau những lời nói đó. Bằng cách này, bạn sẽ tập trung và ghi nhớ những điểm chính của cuộc trò chuyện cho đến khi bạn trả lời. Lúc này, thông tin bạn đưa ra sẽ thích hợp và có sự liên quan đến quan điểm của đối phương tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”.

2. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể là một trong những cách hiệu quả nhất để thể hiện sự quan tâm đến người khác. Hơn nữa, việc này giúp bạn tự tin và dễ dàng truyền đạt thông tin đến người nghe hơn. Ví dụ: Những cái gật đầu, mỉm cười hay duy trì mức độ giao tiếp bằng mắt đối với người nói để cho họ thấy rằng bạn đang lắng nghe.

Trong trường hợp, đối phương liên tục nhìn vào màn hình điện thoại hoặc đồng hồ, điều đó cho thấy họ đang vội hay đơn giản là họ không còn hứng thú với cuộc trò chuyện này nữa và muốn kết thúc nó càng nhanh càng tốt. Vì thế, nếu tính chất công việc của bạn yêu cầu phải bật điện thoại thường xuyên, hãy để nó ở chế độ rung. Trong trường hợp, bạn nhận được một cuộc gọi quan trọng, hãy báo với đối phương một phút tạm ngừng để kiểm tra và sau đó quay lại tiếp tục cuộc trò chuyện khi bạn đã giải quyết xong vấn đề cá nhân của mình.

5-mẹo-giúp-bạn-duy-trì-cuộc-trò-chuyện-tại-nơi-làm-việc-hình-ảnh-1.png

 

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể giúp bạn tự tin hơn

 

3. Tìm điểm chung

Khi cuộc trò chuyện đang diễn ra, hãy lắng nghe cẩn thận để tìm ra điểm chung của bạn với người đối diện. Việc có được điểm tương đồng sẽ rất thuận lợi cho buổi trò chuyện giữa đôi bên. Bạn sẽ có hứng thú trò chuyện với những người có chung sở thích, kinh nghiệm hoặc những người cùng chung công việc với mình hơn là các đối tượng khác. Đấy cũng là nền tảng để bạn dễ dàng tạo nên một mối quan hệ mới. Nếu người nói không tự mình đưa ra bất kỳ điểm tương đồng nào, bạn hãy chủ động hỏi một vài câu hỏi để đi tìm sự tương đồng đấy.

 4. Đặt câu hỏi mở

Câu hỏi mở không thể được trả lời bằng một đáp án đơn giản có hoặc không mà người nói phải trau chuốt và có sự suy nghĩ thận trọng. Ví dụ: Nếu bạn hỏi một đồng nghiệp rằng cô ấy có gặp khó khăn với dự án mới không, cô ấy có thể sẽ trả lời lại là “Có”, kết quả là bạn sẽ nhận được ít thông tin và cuộc trò chuyện có thể kết thúc vào thời điểm này. Chính vì vậy, hãy dùng những câu hỏi mà vừa giúp bạn khéo léo kéo dài cuộc hội thoại lại cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Bạn có thể dùng những câu hỏi dạng mở như sau: Khó khăn nhất mà bạn gặp phải trong dự án này là gì? Bằng cách nào bạn đã tìm ra hướng giải quyết chúng? Tôi có thể làm gì để giúp bạn? Hãy cho tôi biết thêm thông tin về dự án mà bạn đang làm…

Với những câu hỏi trên, ngoài việc cho đối phương thấy rằng bạn đang muốn nghe nhiều hơn nó còn giúp bạn chuyển hướng cuộc trò chuyện đến các chủ đề khiến bạn thích thú và muốn tìm hiểu.

5-mẹo-giúp-bạn-duy-trì-cuộc-trò-chuyện-tại-nơi-làm-việc-hình-ảnh-2.png

 

Sử dụng nhiều câu hỏi mở giúp bạn khai phá thêm thông tin

 

5. Chứng tỏ giá trị của bạn

Nếu bạn là một nhân viên mới, việc kết nối hoặc hợp tác với đồng nghiệp bằng các cuộc hội thoại có thể ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội thành công sau này của bạn. Người bạn đang nói chuyện cũng có mục tiêu cá nhân riêng và họ dành thời gian để nói chuyện với những người có thể cung cấp cho họ một số lợi ích rõ rệt. Chính vì vậy, bạn càng chứng tỏ cho họ thấy giá trị của mình bạn càng tạo được mối quan hệ vững chắc với đồng nghiệp. Hơn nữa, nếu bạn cho người khác nhiều lợi ích bạn sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp tương tự.

Thay vì để những cuộc trò chuyện trở nên nhàm chán và nhanh chóng kết thúc, hãy áp dụng 5 chia sẻ trên để cảm nhận sự khác biệt. Một khi duy trì được những cuộc hội thoại bạn sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích từ đồng nghiệp, hơn nữa kỹ năng giao tiếp cũng ngày được nâng cao.

BigWorks Tổng hợp.

 Khóa học Dành cho cá nhân liên quan